Viết đúng, khen đúng, chê đúng để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội thì báo chí phải là “cánh chim báo bão”, phải trung thực và hướng thiện, góp sức phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân trong các mục tiêu phát triển đất nước. Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đấu thầu nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
Viết đúng và trúng những vấn đề đang “nóng” về đấu thầu góp phần lành mạnh hóa, giảm thiểu, ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Viết đúng và trúng những vấn đề đang “nóng” về đấu thầu góp phần lành mạnh hóa, giảm thiểu, ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội?

Báo chí đã và sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội thông qua việc nói đúng, viết đúng, khen đúng và chê đúng. Khen đúng chính là sự cổ vũ, động viên, khích lệ để nhân rộng những mặt tốt, những nhân tố tích cực trong xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và những điều tốt đẹp trong xã hội này. Còn chê đúng là để giúp đối tượng khắc phục, điều chỉnh và sửa chữa theo hướng tốt đẹp hơn. Tính phản biện tích cực, chủ động của báo chí là nằm ở khía cạnh này. Báo chí tạo ra dư luận xã hội, gây áp lực để buộc các đối tượng chưa tốt phải “uốn nắn”, tự điều chỉnh để tốt hơn.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp

Trong bối cảnh đất nước ta cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, yêu cầu đặt ra với báo chí là gì, thưa ông?

Yêu cầu bao trùm của báo chí là trung thực và hướng thiện. Trung thực là đạo đức và hướng thiện là văn hóa. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, tôi thấy yêu cầu bắt buộc với người làm báo là phải viết đúng, nhân văn và giàu tinh thần xây dựng. Người ta nói “báo chí là cánh chim báo bão” và có tính định hướng, nên báo chí cần “nhảy” vào những lĩnh vực mà xã hội đang cần, đang mong. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta cần đẩy mạnh phát triển kinh tế và phải phát triển đồng đều các lĩnh vực. Do đó, báo chí cần dành nhiều hơn sự quan tâm để phát hiện, cổ vũ, động viên và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp (đây là lĩnh vực trụ cột, cốt lõi và có tính toàn dân ở nước ta); biểu dương và truyền thông về các mô hình phát triển kinh tế công nghiệp (gồm công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, phần cứng…); đồng thời tôn vinh những doanh nhân - doanh nghiệp tiêu biểu, có trách nhiệm xã hội. Từ đó thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình kinh tế tốt, đẩy mạnh các mặt tốt, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội.

Tuy nhiên, để việc phản ánh không rơi vào “một chiều”, tình trạng luôn “xuôi chiều” hay “tô hồng” cuộc sống, báo chí cần chủ động phản biện một cách tích cực, là tiếng nói đa chiều, dân chủ đẳng cấp và dân chủ trí tuệ, đạt đến giá trị chuẩn mực và chân chính.

Từng nhiều năm làm “tư lệnh” ngành thông tin - truyền thông, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xin ông chia sẻ tầm quan trọng của tiếng nói phản biện, phê bình của báo chí?

Vai trò của báo chí với đời sống người dân ngày càng sâu sắc và bền chặt. Để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội, báo chí cần có những định hướng đúng đắn về cả tư tưởng và hành động. Muốn vậy, báo chí phải làm tốt vai trò tuyên truyền của mình: tuyên truyền về văn hóa (văn hóa lãnh đạo, đạo đức xã hội), xây dựng và tuyên truyền về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, góp phần làm cho cuộc sống gần gũi, tin cậy, cởi mở hơn. Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm tuyên truyền, báo chí phải nói tiếng nói phản biện, phê phán những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực và mặt trái để xã hội lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, nhân văn hơn và vì sự tiến bộ của xã hội loài người. Trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, báo chí cần góp tiếng nói thẳng thắn, phê bình để xây dựng chứ không phải phủ nhận, góp ý chứ không phải chỉ trích, phê phán. Báo chí chúng ta là nền báo chí cách mạng nên tiếng nói phải hợp với ý Đảng và lòng dân. Những bài báo phê bình sắc bén có tác dụng lan tỏa trong dư luận xã hội, góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, phòng chống tham nhũng, đòi hỏi người viết phải có tầm nhìn phản biện và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm rất lớn. Nhà báo phải tự trau dồi bản lĩnh, trình độ nhận thức của mình trong việc nghe, sàng lọc, thẩm thấu thông tin và quyết định lựa chọn định hướng thông tin tuyên truyền.

Là cơ quan báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo ông, Báo Đấu thầu cần làm gì để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh công khai - minh bạch thông tin về đấu thầu?

Theo quan sát của cá nhân tôi thì lĩnh vực đấu thầu và lĩnh vực đất đai là 2 “khu vực” nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều sai phạm và tiêu cực. Hiện nay, số lượng vụ việc sai phạm về đất đai, đấu thầu bị đưa ra xử lý vẫn còn ít so với thực tế hành vi vi phạm. Là tờ báo chuyên ngành về đấu thầu, tôi mong muốn Báo Đấu thầu thực sự là kênh thông tin tin cậy, phản ánh trung thực, thẳng thắn và phát hiện ra những “lỗ hổng” có thể gây thất thoát vốn ngân sách nhà nước, tiêu cực trong đấu thầu, từ đó góp phần xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh hơn, minh bạch hơn. Báo Đấu thầu nên có các chuyên mục, nội dung phù hợp để tăng cường tương tác với các bên liên quan trong đấu thầu, lắng nghe những phản hồi của các bên một cách kịp thời để phản ánh sống động hơn và có tính phản biện cao hơn. Cần viết đúng và trúng những vấn đề đang “nóng” về đấu thầu, có chức năng cảnh báo, răn đe như là “cánh chim báo bão” đối với thực tiễn hoạt động đấu thầu, góp phần vào việc lành mạnh hóa, giảm thiểu, ngăn ngừa tiêu cực trong đấu thầu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, Báo Đấu thầu cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ Nhà nước, cộng đồng tham gia giám sát thường xuyên hoạt động mua sắm công cũng như hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước ở các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Chuyên đề