Viết có trách nhiệm và tâm thế của người cầm bút

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trải qua 96 năm báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và đất nước, chưa bao giờ vấn đề viết có trách nhiệm lại đặt ra cấp thiết với mỗi nhà báo như ở giai đoạn này. Bởi trong kỷ nguyên số và nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng, đã xuất hiện nhiều hơn các yếu tố tác động đến bản lĩnh, tâm thế của người cầm bút.
Đã 5 năm trôi qua, việc nhiều cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về nước mắm truyền thống chứa hàm lượng asen cao vượt quy định đến nay vẫn là bài học có giá trị với người làm báo
Đã 5 năm trôi qua, việc nhiều cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về nước mắm truyền thống chứa hàm lượng asen cao vượt quy định đến nay vẫn là bài học có giá trị với người làm báo

Kể từ khi nền báo chí cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, ở bất kỳ thời điểm nào, “viết có trách nhiệm” cũng là yêu cầu bắt buộc với mỗi người làm báo. Nhìn lại sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều thế hệ nhà báo cách mạng chân chính có quyền tự hào về sự xả thân, cống hiến của mình. Cùng với cây bút, cuốn sổ, chiếc máy ảnh, máy quay, họ đã xông pha như những người lính ở tuyến đầu của mặt trận. Nhiều người đã ngã xuống nơi chiến hào, trở thành nhà báo liệt sỹ như những người lính.

Bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí lại là lực lượng tiên phong đưa tinh thần và tư tưởng đổi mới của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Không chỉ phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, báo chí còn là lực lượng tiên phong đấu tranh với cái xấu, sự lạc hậu, trì trệ, các mặt tiêu cực xã hội, là lực lượng xung kích vì sứ mệnh xây dựng một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bước vào kỷ nguyên số hóa, cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo càng trở nên nặng nề hơn. Trước sự "lên ngôi" của mạng xã hội, sự bùng nổ của mô hình "nhà báo công dân", báo chí chính thống xác lập vị thế không thể thiếu trong định hướng dư luận xã hội. Đưa tin chuẩn xác, trách nhiệm trở thành sứ mệnh tiên quyết của mỗi cơ quan báo chí trong giai đoạn mới này. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế báo chí cũng đặt ra bài toán nghiệt ngã với nhiều tòa soạn và không ít nhà báo. Từ đó đã dẫn đến một số thời điểm, có những nhà báo, cơ quan báo chí lơ là, buông lỏng sứ mệnh cao cả là thông tin khách quan, trung thực, vì lợi ích của đất nước, nhân dân.

Bước vào kỷ nguyên số hóa, cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo càng trở nên nặng nề hơn. Trước sự "lên ngôi" của mạng xã hội, sự bùng nổ của mô hình "nhà báo công dân", báo chí chính thống xác lập vị thế không thể thiếu trong định hướng dư luận xã hội. Đưa tin chuẩn xác, trách nhiệm trở thành sứ mệnh tiên quyết của mỗi cơ quan báo chí trong giai đoạn mới này.

Năm 2016, cả làng báo Việt Nam rúng động khi có tới 50 cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật vụ nước mắm truyền thống chứa hàm lượng asen cao vượt quy định, có thể gây ung thư. Sau sự kiện này, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt hành chính nhiều cơ quan báo chí. Tờ báo bị xử phạt cao nhất số tiền lên đến 200 triệu đồng, nhẹ nhất là mức 10 - 15 triệu đồng. Hàng ngàn cơ sở nước mắm truyền thống có uy tín, chất lượng, nơi mưu sinh của hàng vạn lao động, góp phần làm nên bản sắc ẩm thực của người Việt có nguy cơ điêu đứng, đóng cửa sau các tin bài này. Trách nhiệm của người làm báo hướng tới thông tin trung thực, khách quan, bảo vệ cái tốt, cái đẹp, cái thiện đã hoàn toàn bị buông lỏng trong vụ việc nói trên.

Những ngày cuối tháng 5/2021, dư luận cả nước dậy sóng với màn livestream của bà Phương Hằng, vợ ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty Du lịch Đại Nam (Bình Dương) tố một nghệ sỹ thiếu minh bạch khi "ngâm" khoản tiền hàng chục tỷ đồng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt, thiên tai (tháng 10/2020). Ngay lập tức, đã có những bài viết che đỡ, bênh vực cho hành động này. Các bài báo đó khiến độc giả băn khoăn rồi hoang mang không rõ thực hư. Từ hoang mang, những độc giả có tri thức đã trở nên ngán ngẩm, khi nhận thấy sự trung thực, khách quan ở đây đã bị xếp xuống hàng thứ yếu.

Bên cạnh yếu tố “nhóm lợi ích” đã và đang chi phối không ít nhà báo, cơ quan báo chí thì chính sự coi nhẹ trách nhiệm xã hội của người làm báo, quên mất yêu cầu đầu tiên khi đặt bút đó là "viết cho ai, viết về điều gì, viết vì cái gì" đã khiến khá nhiều cơ quan báo chí và nhà báo "mắc lỗi nghiệp vụ".

Trong bối cảnh toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang hướng tới giấc mơ về một Việt Nam hùng cường, vai trò của thông tin chính thống và báo chí ngày càng quan trọng. Báo chí là lực lượng xung kích phát hiện tiêu cực xã hội, đồng hành cùng Chính phủ xây dựng một nền hành pháp liêm chính và kiến tạo. Báo chí góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh. Báo chí góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Báo chí phát huy hiệu quả to lớn và sâu rộng thúc đẩy công bằng, minh bạch, an sinh - xã hội, làm nhiệm vụ giám sát xã hội, nhịp cầu nối chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy “viết có trách nhiệm” là sứ mệnh và đòi hỏi tất yếu với mỗi nhà báo, cơ quan báo chí là điều không thể khác.

Nhắc lại những sự việc trên trong dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam thiết nghĩ cũng là việc làm cần thiết. Chỉ có không ngừng soi lại mình, ý thức đầy đủ trách nhiệm người cầm bút, không ngừng đổi mới mới nâng cánh người viết trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc, đất nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư