Nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị gỡ vướng chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Bích Khánh |
Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới vừa diễn ra, những nguyên nhân khiến DN thờ ơ với nông nghiệp đã được chỉ rõ.
Khung chính sách còn chung chung
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2014, số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% tổng số DN được điều tra (3.844 DN so với 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra). 96,53% DN nông lâm thủy sản (NLTS) là DN nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó, khoảng 50% DN ngành NLTS có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động).
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng lớn, chiếm tới 20% GDP của cả nước, nhưng số lượng DN Việt Nam quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm trên dưới 1%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập, cản trở sự thu hút đầu tư. “Hiện nay, việc thu hút DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn theo cảm tính, hầu hết chưa có những điều tra kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, DN thì có cảm giác mình không được quan tâm, hỗ trợ đúng mức, mà phải tự mày mò, bươn chải. Không những vậy, khung pháp lý về đầu tư vào nông nghiệp còn chung chung, thiếu đồng bộ, thậm chí không theo nguyên tắc cơ bản nào” – ông Phòng nhấn mạnh.
Theo ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, một trong những rào cản mà DN đầu tư vào nông nghiệp gặp phải là chính sách về đất đai, tiếp cận vốn tài chính, hạ tầng giao thông. DN khi đầu tư vào nông nghiệp, để có đất sản xuất, DN phải thương lượng đền bù với người nông dân, sau đó Nhà nước thu hồi và cho thuê lại. Như vậy DN sẽ phải trả 2 lần tiền cho đất. Ngoài ra, DN còn phải tự lo cả về hạ tầng giao thông ở nông thôn, làm giảm giá trị cạnh tranh của sản phẩm nông sản. DN nông nghiệp cũng rất khó tiếp cận thị trường quốc tế do thiếu thông tin về thị trường và các quy định của thương mại quốc tế.
Gỡ bỏ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư
Ngoài ra, để giải bài toán dài hạn cho thu hút đầu tư vào nông nghiệp, cần thay đổi mô hình sản xuất một cách đa dạng. Nhưng, dù là mô hình nào thì người nông dân vẫn là chủ thể, và cần cơ chế phân chia lợi ích hợp lý giữa người nông dân và DN.
Liên quan đến hỗ trợ tín dụng cho DN đầu tư vào nông nghiệp, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính đề xuất có cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực FDI, vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, chế biến tinh, chế biến sâu; tiếp tục thực hiện ưu đãi ở mức cao về tài chính cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đối với các dự án công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt đối tượng, phạm vi và điều kiện cho vay, tạo thuận lợi cho người dân trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và phát triển bảo hiểm nông nghiệp…