Ảnh Internet |
Xin ông chia sẻ con số thu, chi ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2022 và dự toán năm 2023?
Căn cứ tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ NSNN các tháng đầu năm, đánh giá ước tổng thu NSNN là 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP, thuế, phí đạt 13,9% GDP. Trong đó, thu nội địa khoảng 1.292 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với dự toán và chiếm 80%; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 246 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với dự toán và chiếm 15,3%...
Ông Nguyễn Minh Tân |
Tổng chi NSNN ước đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với dự toán. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 1.119,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với dự toán; chi đầu tư phát triển khoảng 663,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với dự toán…
Bội chi NSNN ước đạt 421,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5% GDP; trong đó, bội chi cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoảng 0,41% GDP. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP.
Năm 2023, dự toán thu NSNN là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 239 nghìn tỷ đồng, giảm 2,8% so với ước thực hiện năm 2022…
Dự toán chi NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên là 1.172 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022 (chủ yếu do chi cho tăng lương), chiếm 56,5% tổng chi NSNN; chi đầu tư phát triển là 726,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1% so với dự toán năm 2022 (do nguồn chi cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dồn từ năm 2022 sang), chiếm 35% tổng chi NSNN…
Thưa ông, tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 rất chậm nhưng số chi đầu tư phát triển năm 2023 vẫn tăng mạnh đến hơn 38%, vậy có khả năng “tiêu” hết tiền không?
Đến nay, mức giải ngân đầu tư công mới đạt khoảng 50%, thấp hơn so với tỷ lệ của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có một phần nguyên nhân là quy mô nguồn vốn đầu tư công năm nay cao hơn hẳn năm ngoái, xét về số tuyệt đối, số tiền giải ngân đến nay cao hơn năm ngoái khoảng 6 - 7%.
Ở khía cạnh khác, tiến độ giải ngân năm nay chậm so với các năm trước còn do biến động giá cả nguyên vật liệu xây dựng và xăng dầu, khan hiếm mỏ nguyên vật liệu như đất, đá… ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai dự án của các chủ đầu tư. Hơn nữa, việc triển khai đồng loạt các dự án dẫn tới co kéo nguồn lực của các nhà thầu nên có phần gây khó. Đáng chú ý, ách tắc giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân “truyền thống” của tình trạng chậm giải ngân đầu tư công. Mặt khác, không thể phủ nhận là có tình trạng né tránh, ngại sai nên cứ chầm chậm làm…
Tất các các nguyên nhân này đã được nhận diện và sẽ tháo gỡ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong năm sau.
Thưa ông, một trong những đặc điểm của NSNN nhiều năm là tình trạng vượt thu quá cao so với dự toán. Có ý kiến cho rằng, điều này xuất phát từ việc quá thận trọng của cơ quan lập dự toán. Xin chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?
Xây dựng dự toán thu NSNN thì dĩ nhiên phải thận trọng. Trong tổng thu NSNN, có phần thu mang tính “cốt lõi”, nghĩa là phần thu rất ổn định, bền vững và chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Chúng tôi tính toán rất sát khoản thu này.
Trong khi đó, một số khoản thu bất thường, đột biến thì không thể tính trước được. Chẳng hạn, khoản thu từ thuế chuyển nhượng các doanh nghiệp lớn, thu từ tiền sử dụng đất một lần của các đại dự án…
Nếu chỉ tính phần cốt lõi nêu trên, thu NSNN những năm gần đây tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng rất tích cực, và chỉ tăng khoảng 1 - 2% so với con số dự toán.