Việc thu phí tự động không dừng là phương thức mới mẻ, mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 3 năm trở lại đây. Ảnh: Lê Tiên |
Phải đàm phán và điều chỉnh hợp đồng BOT
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, ở Việt Nam việc thu phí tự động không dừng vẫn còn là phương thức mới mẻ, mới chỉ xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, một số trạm thu phí BOT đã có cách đây khoảng 15 năm nên trong nhiều hợp đồng BOT mặc nhiên không có điều khoản chia sẻ lợi ích thu phí với nhà đầu tư trạm thu phí không dừng. Khi Nhà nước có chủ trương vận hành trạm thu phí không dừng trên các tuyến BOT thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đàm phán và điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký trước đó với nhà đầu tư.
Ở một số dự án BOT, quá trình đàm phán này mất nhiều thời gian và không nhận được sự hợp tác của nhà đầu tư vì không thống nhất được tỷ lệ phần trăm thu phí mà nhà đầu tư BOO (thu phí không dừng) nắm giữ và nhà đầu tư BOT nắm giữ, nhà đầu tư BOT không muốn bàn giao các làn thu phí cho nhà đầu tư BOO để tạo việc làm cho người lao động của mình (đội ngũ nhân viên thu phí trực tiếp)…
Trên thực tế, một nhà đầu tư cho biết, còn xảy ra câu chuyện nhà đầu tư BOO không đủ năng lực tiếp nhận lại dự án BOT để triển khai việc lắp đặt thu phí không dừng nên đã xin lùi thời gian tiếp nhận các làn thu phí BOT khi nhà đầu tư bàn giao. Theo một nhà đầu tư BOT, vấn đề thu phí không dừng là một “cục xương”, vì nhà đầu tư BOO phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để lắp đặt các trạm thu phí tự động không dừng, song lượng xe đi vào trạm thu phí không dừng quá ít, phương án tài chính gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo sẽ không xảy ra gian lận về lưu lượng xe khi triển khai việc thu phí không dừng vì phần mềm công nghệ vẫn có thể bị can thiệp, chỉnh sửa… Khi nhà đầu tư BOT bàn giao lại việc thu phí cho nhà đầu tư BOO thì ở một góc độ nào đó, vẫn phải cử người để giám sát việc thu phí không dừng để tránh thất thoát và gian lận.
Vẫn “bí” giải pháp khả thi
Theo ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam, để tăng cường áp dụng và áp dụng thông suốt việc thu phí không dừng thì cần có cơ chế khích lệ người dân sử dụng dịch vụ thu phí không dừng như giảm giá cước phí lưu thông qua trạm không dừng so với đi qua trạm thu phí 1 dừng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết, trong các giải pháp mà TCĐB đưa ra để thúc đẩy áp dụng thu phí tự động không dừng, không có việc giảm cước phí cho phương tiện nếu lưu thông qua làn thu phí không dừng. TCĐB chỉ có thể hỗ trợ kết nối thanh toán để tạo điều kiện cho các chủ phương tiện trả tiền phí sử dụng đường bộ một cách dễ dàng, thuận tiện. Ông Toàn cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư BOO giai đoạn 1 thực hiện Dự án Thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh hợp đồng với nhà đầu tư BOO nhằm đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính Dự án. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư BOO có thêm tiềm lực tài chính để đầu tư lắp đặt và triển khai thu phí không dừng ở các trạm thu phí BOT đã ký kết. Bên cạnh đó, TCĐB sẽ tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân tích cực tham gia việc thu phí tự động không dừng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một vài nhà đầu tư BOT cho biết, nhà đầu tư không sẵn sàng giảm giá cước cho người dân nhằm khuyến khích lựa chọn sử dụng thu phí không dừng thay vì thu phí một dừng, bởi nhà đầu tư đang trong quá trình thu hồi vốn đầu tư, nếu giảm trừ cho người dân thì sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn đầu tư cho dự án. Vậy nhà đầu tư lấy tiền đâu để bù vào khoản chênh lệch này?
Mặt khác, cũng chưa thấy có cơ quan nhà nước nào nói đến việc Nhà nước sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc triển khai áp dụng thu phí không dừng. Nếu không có sự quyết tâm của các đơn vị liên quan và sự đồng thuận của người dân thì việc thu phí không dừng thực sự sẽ khó được triển khai phổ biến.