Vì sao nhiều dự án BOT chậm quyết toán?

(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến nay vẫn còn khoảng 30 trong số 37 dự án BOT giao thông đang vận hành, khai thác chưa quyết toán xong. Đáng chú ý, trong đó có những dự án quy mô lớn đã đưa vào khai thác nhiều năm. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Gần hết vòng đời dự án vẫn chưa quyết toán xong

Tiêu biểu cho tình trạng chậm quyết toán là 3 dự án: Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1 (nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) hoàn thành công trình ngày 21/8/2004; Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K (đi qua 3 địa phương: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM) bắt đầu thu phí từ ngày 10/10/2007 và Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai đến Vũng Tàu) bắt đầu thu phí từ ngày 1/7/2013).

Theo Ban PPP thuộc Bộ GTVT, Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1 có tổng vốn đầu tư hơn 793 tỷ đồng do Tổng công ty Sông Đà làm nhà đầu tư. Với tổng chiều dài khoảng 2,95 km, trong đó, chiều dài hầm khoảng 520 m, phần đường và cầu dẫn khoảng 2,43 km, dự án này có thời gian thu phí dự kiến là 13 năm 3 tháng.

Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K do Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, Công ty CP Rạng Đông, Công ty TNHH XDĐT CSHT Phú Thọ, Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô, Công ty TNHH BVM Thái Thành Nam thực hiện, với tổng mức đầu tư hơn 397 tỷ đồng, có tổng chiều dài là 10,5 km. Dự án được khởi công ngày 24/4/2005 và hoàn thành ngày 24/9/2007, thời gian thu phí dự kiến của dự án này là 21 năm.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 do Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Công ty CP Xây dựng và thương mại tổng hợp Thái Ninh, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 3.571 tỷ đồng. Dự án này có tổng chiều dài hơn 72 km, có điểm đầu tại Km0+900 Quốc lộ 51 (giáp nối với dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu), điểm cuối tại Km73+600 Quốc lộ 51 (giao với Quốc lộ 51C TP. Vũng Tàu). Dự án này được khởi công ngày 2/8/2009 và hoàn thành vào ngày 1/8/2012. 

Thiếu chế tài xử phạt

Nhà đầu tư thường cố tình chậm quyết toán để trước mắt tận hưởng thời gian thu phí dài hơn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu chiều ngày 20/9/2016, đại diện Ban PPP thuộc Bộ GTVT cho biết, hiện Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1 vẫn đang tiến hành thủ tục thanh quyết toán. Dự án này có một số hạng mục phát sinh, bổ sung nên thủ tục thanh toán còn nhiều vướng mắc nên chưa thể tiến hành quyết toán toàn bộ Dự án.

Đối với Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1K, hiện đã thực hiện quyết toán xong giai đoạn 1, phần còn lại của dự án này liên quan đến lãi vay, các hạng mục bổ sung nên vẫn chưa quyết toán rốt ráo toàn bộ Dự án. Tương tự, Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đã quyết toán xong giai đoạn 1, dự kiến đến tháng 11/2016 mới quyết toán xong toàn bộ.

Nguồn tin từ Ban PPP thuộc Bộ GTVT cho biết, vướng mắc trong thủ tục quyết toán các dự án BOT liên quan đến nhiều phía. Trong đó, phải kể đến những nguyên nhân như việc cung cấp hồ sơ dự án của các nhà đầu tư, do biến động của cơ chế, chính sách từ khi xây dựng dự án cho đến nay… Thật khó có câu trả lời chắc chắn khi nào những dự án này có thể hoàn thành công tác quyết toán. Và khi dự án chưa hoàn thành công tác quyết toán thì cơ sở so sánh với tổng mức đầu tư, đi đến tính toán một cách sòng phẳng về thời gian thu phí là… “bất khả thi”. 

Ngoài nguyên nhân trên, một chuyên gia kinh tế cho biết, nhà đầu tư thường cố tình chậm quyết toán để trước mắt tận hưởng thời gian thu phí dài hơn. Mặt khác, do chưa có chế tài xử phạt chậm nên chủ đầu tư không có nhiều động lực để thực hiện quyết toán vốn đầu tư, dù theo quy định pháp luật, phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án (Khoản 1 Điều 53 Nghị định 15/2015/NĐ-CP).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư