Vì sao người Nhật muốn nắm Petrolimex?

Tính đến cuối năm 2014, Petrolimex chiếm đến 48% thị phần phân phối xăng dầu tại Việt Nam.
Vì sao người Nhật muốn nắm Petrolimex?

Giữa lúc lúc giá dầu liên tục giảm đến mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, người Nhật lại quyết định ra tay. Theo đó, Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy Corp cho biết sẽ mua đến 10% cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Trong kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, Petrolimex cũng có kế hoạch bán một lượng vốn nhà nước để giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước trong Tập đoàn xuống còn khoảng 65-75%.

Giá trị thương vụ này, theo tờ Asia Nikkei Review, sẽ rơi vào khoảng 177 triệu USD. Như vậy, giá thị trường của Petrolimex sau thương vụ sẽ được định giá ở mức 1,77 tỉ USD. Ðây là mức giá khá hấp dẫn, nếu không muốn nói là khá rẻ. Bởi Petrolimex hiện là nhà phân phối xăng dầu lâu đời và lớn nhất Việt Nam với mạng lưới sở hữu rộng lớn khắp cả nước. Tính đến cuối năm 2014, tập đoàn này sở hữu 2.353 trạm xăng dầu (chưa tính hệ thống cửa hàng của đại lý) trong tổng số 14.000 trạm xăng dầu trên cả nước và chiếm đến 48% thị phần phân phối xăng dầu tại Việt Nam.

Ngoài xăng dầu, Petrolimex còn bán nhớt, khí, kinh doanh hóa dầu, tham gia các hoạt động tài chính như bảo hiểm và ngân hàng (hiện nắm tới 40% cổ phần của Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex - PG Bank). Thậm chí, Petrolimex còn tham gia thành lập công ty viễn thông, tư vấn xây dựng, vận tải, bất động sản, sữa chữa ôtô.

Năm 2015, kết quả kinh doanh của Tập đoàn có bước phục hồi, bất chấp giá xăng dầu trong nước giảm mạnh. Doanh thu hợp nhất hơn 146.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng hơn 2.801 tỉ đồng, đảo ngược hoàn toàn so với con số lỗ 365 tỉ đồng của năm trước đó. Tổng lượng xăng dầu (tính theo lít) bán ra trong năm 2015 cũng tăng 8% so với năm 2014.

Có thể nói, việc JX Nippon tham gia vào Petrolimex ở thời điểm này là phù hợp, bởi vừa tận dụng được điểm rơi có lợi nhuận của Petrolimex, vừa mua được với giá tốt. Sau khi thương vụ này diễn ra, JX Nippon được cho là sẽ hỗ trợ Petrolimex trong việc tối ưu hóa hệ thống hoạt động, trong đó bao gồm việc quản lý hệ thống trạm xăng dầu và phương thức thanh toán.

Thật ra, quyết định chọn Việt Nam để mở rộng kinh doanh đã nằm trong chiến lược vạch ra cách đây vài năm của JX Nippon, khi thị trường tiêu thụ nội địa tại Nhật dự kiến suy giảm mạnh khoảng 8% trong 5 năm kế tiếp. Tìm một lối thoát cho gã khổng lồ là rất cấp thiết vào thời điểm này. Cùng lúc, Việt Nam và Indonesia có thị trường xăng dầu tăng trưởng khá tốt, dân số đông nên được xem là điểm đến hấp dẫn cho JX Nippon trong các năm tới.

Nhưng nếu mảng phân phối xăng dầu vẫn hấp dẫn nhờ lượng xe hơi tăng mạnh, kèm theo việc kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan thì JX Nippon sẽ phải cẩn trọng với ý định tham gia dự án lọc dầu vào lúc này.

Cụ thể, trong kế hoạch hành động của mình, JX Nippon cho biết sẽ xem xét tham gia dự án lọc dầu tại Vân Phong (Phú Yên) cùng với Petrolimex. Một công ty khác của Nhật là Idemitsu Kosan cũng đang tham gia vào dự án nhà máy lọc dầu tại Khu Công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) với giá trị đầu tư 9 tỉ USD.

Theo Asia Nikkei Review, cùng với sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu đầu tư các dự án lọc dầu cũng ngày một cấp bách. Hiện tại, nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam.

Thế nhưng, giá dầu quá thấp hiện đang tác động tiêu cực đến các nhà máy lọc dầu. Dung Quất đang kêu gào vì khả năng chịu lỗ và phải đóng cửa nếu không được hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Dự án lọc dầu trị giá hàng chục tỉ đô của Tập đoàn PTT (Thái Lan) ở Bình Định vẫn đang là mảnh đất trống. Còn dự án lọc dầu Nghi Sơn, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm sau, cũng sẽ gây ra áp lực gia tăng nguồn cung cho thị trường và lợi nhuận của các dự án lọc dầu khác.

Mặt khác, các công ty xăng dầu trong nước như Petrolimex thường thích sản phẩm nhập khẩu hơn là mua lại từ các dự án lọc dầu trong nước, bởi chất lượng tốt hơn hẳn và giá cạnh tranh. Gần đây cũng đã có ý kiến cho rằng để dự án Nghi Sơn hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế buộc các doanh nghiệp trong nước phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra của dự án này. Ðiều này rõ ràng trái với các nguyên tắc vận hành cơ bản của thị trường.

Hãy quay trở lại với thương vụ JX Nippon - Petrolimex, thách thức đặt ra cho tập đoàn Nhật hậu M&A sẽ không nhỏ. Mô hình hoạt động của Petrolimex vẫn còn khá nặng nề, lan tỏa sang cả những ngành không phải cốt lõi như bảo hiểm, ngân hàng hay bất động sản.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy, ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Petrolimex đã đầu tư hơn 2.255 tỉ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Trong đó, có những khoản đầu tư giá trị lớn không đúng quy định như việc rót thêm 400 tỉ đồng vốn vào PG Bank, hơn 171 tỉ đồng vào Bảo hiểm Petrolimex hay đầu tư 51 tỉ đồng vào Công ty Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tập đoàn này còn sử dụng sai nguồn vốn đầu tư kinh doanh hơn 646 tỉ đồng, cho các đơn vị thành viên vay dài hạn. Một số khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác cũng có nguy cơ thua lỗ và mất vốn. Năm 2015, Petrolimex đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính nhưng kết quả vẫn chưa đến đâu. Xem ra, việc đầu tư vào Petrolimex của JX Nippon có thể không phải là thương vụ “dễ ăn” như nhiều người nghĩ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư