Vì sao giá vàng tăng vọt trong những ngày qua?

Vàng được coi là hầm trú ẩn an toàn, là nơi nhà đầu tư tìm đến khi họ không biết chắc rằng kinh tế thế giới và thị trường tài chính sẽ biến động ra sao trong những ngày tháng sắp tới.
Vì sao giá vàng tăng vọt trong những ngày qua?

Valentine năm nay, món quà tặng đặc biệt tại cửa hàng trưng bày của công ty môi giới vàng Sharps Pixley là một bông hoa hồng nhúng trong vàng có trị giá 166 USD. Nhưng có lẽ những gì người-đặc-biệt muốn có sẽ là một miếng vàng trị giá 27.000 bảng Anh (tương đương với khoảng 39.000 USD), nhỏ hơn cả một thỏi socola nhưng đủ nặng để giúp người ta vượt qua khủng hoảng tài chính. Cả hai mặt hàng này đều bán chạy. Tuy vậy, Ross Norman, ông chủ cửa hàng vẫn cho rằng các khách hàng còn khá non nớt về chuyện mua vàng để dự trữ khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề.

Đây không chỉ là chuyện riêng của những người mua vàng tại Sharps Pixley. Những người yêu vàng, từ những người theo chủ nghĩa tự do tại Mỹ đến các bà nội trợ Ấn Độ, đã giúp giá mặt hàng này tăng vọt trong năm nay. Trong phiên giao dịch sớm ngày 11/2/2016, giá vàng tăng lên trên mức 1.200 USD/ ounce, mức cao nhất trong hơn 8 tháng qua, giữa lúc người ta bán tháo chứng khoán trên toàn cầu. Ông Ross Norman lưu ý rằng giá vàng trong tháng 1 của năm 2015 và 2016 đều giảm. Một phần là do tính "thời vụ" của hai thị trường bán lẻ lớn nhất: Ấn Độ và Trung Quốc. Lễ hội Hindu Diwali của Ấn Độ bắt đầu từ cuối mùa thu và kết thúc vào khoảng tháng 1, trong khi cũng đúng thời điểm này, Trung Quốc nghỉ tết âm lịch.

Sự sợ hãi chính là một yếu tố dẫn đến tăng giá vàng. Người ta có thể coi vàng là cách để vượt qua sự thiếu hiểu biết về tình hình kinh tế toàn cầu. Bởi kinh tế thế giới sẽ đi về đâu, chưa ai biết được. Người ta còn hoài nghi về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, tác động của giá dầu giảm lên sản xuất tại các thị trường mới nổi, khủng hoảng nợ của ngành khai thác đá phiến dầu mỏ của Mỹ và sự mong manh của các ngân hàng toàn cầu. Hơn nữa, đồng USD- công cụ để thay thế vàng gần đây cũng suy yếu.

Các yếu tố khác đã đứng về phía vàng. Đợt giá vàng tăng gần đây trùng hợp với thời điểm giá dầu sụt giảm và những lo ngại về giảm phát đẩy lãi suất xuống thấp hơn. Vàng không sinh lãi, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các khoản đầu tư khác như trái phiếu, nhưng nó đi liền với tính an toàn. Đây là điều làm người mua vàng thấy hấp dẫn. Việc các ngân hàng trung ương lớn áp dụng lãi suất âm đối với dự trữ của ngân hàng thương mại càng tăng tính hấp dẫn cho vàng.

Nguồn cung vàng giảm làm thị trường nóng lên. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, sản lượng vàng khai thác trong quý IV/2015 giảm 3%, ghi nhận mức giảm theo quý đầu tiên kể từ năm 2008. WGC dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục do các công ty khai thác thiếu tiền phải giảm đầu tư.

Bức tranh về nhu cầu vàng còn rõ ràng hơn. Nhìn chung, năm 2015, nhu cầu vàng trên toàn cầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, Ấn Độ- nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới tăng nhu cầu về đồ trang sức bằng vàng trong nửa cuối năm. Tại Trung Quốc, người mua hàng giảm mua nữ trang và tăng mua vàng miếng để đầu tư. Điều này phản ánh mối lo ngại về tiền mất giá và chứng khoán đi xuống.

Theo số liệu mới nhất thì năm nay, có dòng vốn đổ vào các quỹ giao dịch liên quan đến vàng. Kênh đầu tư này chiếm khoảng 1/10 tổng nhu cầu vàng toàn cầu. ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển sẽ tăng mua vàng trong quý IV năm nay để tiếp tục đa dạng hóa tài sản.

Những người hoài nghi, trong đó có ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vẫn dự báo giá vàng sẽ giảm trong năm 2016 sau 3 năm giảm liên tiếp, do lãi suất tại Mỹ tăng. Hôm 10/2 vừa qua, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã đưa ra những đánh giá ảm đạm về nền kinh tế Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội. Dù vậy, theo bà, lãi suất có thể còn tăng hơn nữa.

Thị trường chứng khoán và đồng USD phản ứng tiêu cực với thông tin này, trong khi giá vàng tăng mạnh. Những lo ngại về tài chính càng nhiều, giá vàng sẽ càng tăng mạnh. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư