Vì sao dự án BOT xây dựng cầu Hạc Trì bị phản ứng?

Dự án BOT xây dựng cầu Hạc Trì ở Phú Thọ khi đi vào sử dụng đã gặp phải sự phản ứng của người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phương thức đầu tư Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao đã phát huy tác dụng trong thời gian vừa qua khi nguồn vốn nhà nước cho các công trình giao thông còn hạn chế. Phương thức này đã tạo thêm cơ hội lựa chọn sử dụng các công trình cho người dân. Tuy nhiên, tại sao khi dự án BOT xây dựng cầu Hạc Trì ở Phú Thọ đi vào sử dụng lại gặp phải sự phản ứng của người dân?

Những cục bê tông được chủ đầu tư dự án BOT cầu Việt Trì đặt giữa đường để buộc ô tô phải qua cầu Hạc Trì với giá 35.000 đồng/lượt, thay vì miễn phí qua cầu Việt Trì. Việc lựa chọn qua cầu Việt Trì hay cầu Hạc Trì phải là lựa chọn của người tham gia giao thông. Lý do được đưa ra là do cầu Việt Trì đã xuống cấp. Nhưng hàng ngày, có hàng chục chuyến tàu hỏa với tải trọng hàng nghìn tấn vẫn qua lại cầu Việt Trì.

Cầu Việt trì được đưa vào sử dụng năm 1995. Thông thường một cây cầu sắt vĩnh cửu được thiết kế sử dụng ít nhất 50 năm, như vậy đến nay cầu Việt Trì được sử dụng chưa đến một nửa tuổi đời thiết kế. Vì vậy, người dân đã đặt câu hỏi về việc cấm đi lại cầu có xuất phát từ chất lượng cầu Việt Trì?

Cầu Việt Trì, cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy đã được xây dựng cùng một công nghệ và cùng một đơn vị thi công là Tổng công ty Thăng Long. Cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy mặc dù được sử dụng trước 10 năm nhưng hiện nay Bộ Giao thông vận tải vẫn cho phép lưu thông bình thường.

Dự án BOT là hình thức thu hút đầu tư từ xã hội và tạo thêm cơ hội lựa chọn cho người dân. Với việc đặt những tảng bê tông giữa đường đã chặn đi sự lựa chọn của người dân. Sau khi người dân phản ứng, nhà đầu tư BOT đã dỡ bỏ các trụ bê tông nhưng đang có kế hoạch đặt lại trong thời gian tới. 

Chuyên đề