VEC “bó tay” trong việc bảo đảm an toàn giao thông trên cao tốc

(BĐT) - Hàng loạt tồn tại trong việc bảo đảm an toàn trên đường cao tốc đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận tại Hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, trên các tuyến đường cao tốc do VEC đang triển khai tổ chức khai thác vẫn còn tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, còn có tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá dỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường; chăn thả gia súc gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, tình trạng xe quá tải, người dân phá dỡ hàng rào, trộm cắp tài sản đường cao tốc cũng ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Vẫn theo báo cáo của VEC, về hệ thống biển báo, sau hơn 4 năm đi vào khai thác, hệ thống biển báo trên các tuyến đường cao tốc hiện không đồng bộ với nhau, quy định hệ thống biển báo thay đổi. Tại một số vị trí đường nhánh, nút giao chưa bố trí đầy đủ hệ thống thiết bị an toàn giao thông, biển báo hướng dẫn theo QCVN 83:2015/BGTVT mới ban hành. Việc này đã gây khó khăn cho đơn vị quản lý, khai thác vì đã đầu tư giá trị lớn cho hệ thống biển báo để bảo đảm an toàn giao thông trên đường cao tốc, ngoài ra việc thay đổi phù hợp với các tiêu chuẩn mới cần có thời gian và kinh phí thực hiện.

Báo cáo của VEC cũng khẳng định, hiện tại các tuyến đường cao tốc, sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác, chưa phát huy hết tính ưu việt do hệ thống đường kết nối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh (như tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa hoàn chỉnh kết nối với Quốc lộ 1A) gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển đi vào đường cao tốc. Ngoài ra, sau khi có đường cao tốc, hệ thống đường địa phương không còn phù hợp, nhiều tuyến đường bị chia cắt bởi đường cao tốc.

VEC cũng “kêu khó” trong việc phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là tại tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là tuyến đường rất dài, xa trung tâm nên việc di chuyển của các cán bộ Cục cảnh sát C67 gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc tuần tra, kiểm soát, phối hợp để xử lý sự cố còn rất chậm, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý khai thác đường cao tốc cũng chưa hiệu quả. Công nghệ thu phí tự động mới được trển khai, tuy nhiên chưa phổ biến do hiệu quả của công nghệ khó khả thi.

Ngoài ra, một số dự án đã được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) phục vụ giám sát, quản lý giao thông, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ quan sát tình trạng giao thông, bảo vệ tài sản, tính tự động của hệ thống chưa cao, các số liệu thu thập chưa được sử dụng có hiệu quả trong việc phân tích, đánh giá, dự báo và phục vụ cho việc xử lý vi phạm trên đường cao tốc.  

Chuyên đề