Vay tiền mua cổ phiếu, ‘con dao hai lưỡi’ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Cơn điên” của thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây đang dấy lên lo ngại rằng nó được thúc đẩy bởi việc sử dụng đòn bẩy quá mức của các nhà đầu tư cá nhân - một trong những nguyên nhân đổ vỡ của chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2015.
Vay tiền mua cổ phiếu, ‘con dao hai lưỡi’ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc

Giới phân tích cho biết đang theo dõi mức độ giao dịch ký quỹ. Xu hướng trên xuất hiện khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh từ đầu tháng 7. Trong hai tuần đầu tháng 7, chỉ số Shanghai Composite tăng 14%, CSI 300 tăng hơn 20% trong khi Shenzhen Composite tăng 17%.

Đà tăng khiến Ủy ban chứng khoán Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo nhà đầu tư tránh xa những tổ chức tài chính tiếp vốn bất hợp pháp cho các giao dịch ký quỹ. Giao dịch ký quỹ đi kèm rủi ro bởi nhà đầu tư đang sử dụng tiền đi vay, lỗ từ quá trình đầu tư sẽ nhiều hơn bởi phải trả lãi vay.

“Đà tăng gần đây là con dao hai lưỡi với giới lập chính sách Trung Quốc”, ANZ Research nhận định trong báo cáo ngày 20/7, đồng thời cảnh báo về rủi ro từ giao dịch ký quỹ.

Khi Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, giới chức Trung Quốc đã bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng để khuyến khích bên cho vay mở rộng tín dụng, cắt giảm lãi suất. Do đó, quy mô nợ xấu của nền kinh tế Trung Quốc dự báo gia tăng.

ANZ Research nhận định, xuất hiện lo ngại rủi ro tài chính liên quan đến giao dịch ký quỹ ngầm, nguyên nhân khiến thị trường sụp đổ năm 2015.

Theo số liệu từ Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSFC), tái cấp vốn cho giao dịch ký quỹ và được Ngân hàng trung ương Trung Quốc hỗ trợ thanh khoản, các khoản cho vay ký quỹ trong tháng 6 tăng 33% so với tháng 5. Trong tuần đầu tháng 7, tổng dư nợ ký quỹ tại Trung Quốc tăng 9% lên 1.300 tỷ nhân dân tệ, theo South China Morning Post.

Một số nền tảng trái phép còn cho nhà đầu tư vay ký quỹ hơn 1.000 nhân dân tệ để mua cổ phiếu với khoản ký quỹ chỉ 100 nhân dân tệ, tức đòn bẩy 10 lần, theo Caixin Global.

Hiện tượng tương tự từng xảy ra hồi năm 2015. Khi đó, Shanghai Composite giảm hơn 40% chỉ trong vài tuần từ mức đỉnh, thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Hồi đầu tháng này, truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo nhà đầu tư tôn trọng thị trường và quản lý rủi ro. “Bài học bi thảm về thị trường chứng khoán năm 2015 vẫn còn hiện hữu, nhắc nhở chúng ta nên xây dựng một thị trường khỏe mạnh, thịnh vượng”.

Chuyên đề