Vật lộn với chi phí sinh hoạt, người Anh tăng rút tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo CNBC, Bưu điện Anh - nơi cung cấp các dịch vụ ngân hàng cũng như bưu chính - đã xử lý lượng rút tiền mặt của khách hàng cá nhân đạt kỷ lục 801 triệu Bảng (tương đương 967 triệu USD) trong tháng 7 vừa qua, tăng khoảng 8% so với tháng trước đó và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Trưởng bộ phận tài chính thuộc AJ Bell Laura Suter, có một số lý do dẫn tới việc sử dụng tiền mặt tăng đột biến tại Anh.

“Thứ nhất, nhiều người dùng tiền mặt hơn khi họ đi nghỉ. Thứ hai, Bưu điện Anh chi trả trợ cấp năng lượng dưới dạng tiền mặt. Thứ ba, nhiều người xem việc tiêu tiền mặt là một cách để tiết kiệm”, bà Laura Suter nhận định.

Nghiên cứu của Bưu điện Anh chỉ ra rằng, 71% số người Anh có kế hoạch đi nghỉ trong nước năm nay dự định rút tiền mặt để tiêu trong kỳ nghỉ.

Trong tháng 7, Bưu điện Anh xử lý hơn 600.000 lượt chi trả hỗ trợ tiền mặt cho những người được hưởng trợ cấp năng lượng từ Chính phủ. Tổng số tiền chi trả là khoảng 90 triệu Bảng, giúp người dân trang trải hoá đơn điện và khí đốt.

Tổng cộng, có 3,31 tỷ USD tiền gửi và tiền rút được xử lý tại Bưu điện Anh trong tháng 7, tăng 100 triệu Bảng so với tháng 6.

Dữ liệu trên được đưa ra trong bối cảnh nước Anh tiếp tục vật lộn với lạm phát gia tăng. Ngân hàng Trung ương nước này dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh 13,3% vào tháng 10/2022 và duy trì ở ngưỡng cao trong phần lớn thời gian của năm 2023.

Theo Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ ngân hàng thuộc Bưu điện Anh Martin Kearsley, những số liệu trên cho thấy nước Anh hiện tại "không thể là một xã hội không tiền mặt". "Ngày càng có nhiều người muốn sử dụng tiền mặt như một cách để quản lý ngân sách. Cho dù đó là kế hoạch đi du lịch trong nước hay chuẩn bị cho sức ép tài chính có thể gia tăng trong mùa thu, việc tiếp cận với tiền mặt là rất quan trọng vào thời điểm này”, ông Martin Kearsley đánh giá.

Tuy nhiên, bà Laura Suter cho rằng, việc người Anh tăng rút tiền mặt không phải là một xu hướng dài hạn.

“Việc sử dụng tiền mặt có thể giảm sau mùa hè, khi người dân không đi du lịch nữa. Những người muốn tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu có thể vẫn sẽ tăng dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khó có chuyện việc dùng tiền mặt tăng trở lại mức trước đại dịch, bởi nhiều thói quen đã chuyển hẳn sang trực tuyến hoặc các phương thức thanh toán kỹ thuật số”, bà Laura Suter cho biết.

Chuyên đề