Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng USD vững ở mức cao trong bối cảnh thị trường điều chỉnh các đặt cược vào động thái lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp vào tháng tới. Thông tin Trung Quốc ngừng mua vàng dự trữ suốt 5 tháng liên tiếp cũng không có lợi cho giá kim loại quý này.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại New York giảm 11,2 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 0,42%, còn 2.643,1 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm hơn 8h sáng nay (8/10) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,3 USD/oz so với đóng phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.643,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 79,8 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Lúc đầu giờ sáng, Vietcombank báo giá USD ở mức 24.660 đồng (mua vào) và 25.050 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Nguồn gây áp lực giảm lên giá vàng đang là sự dịch chuyển mạnh mẽ trong kỳ vọng của thị trường về lãi suất của Fed.
Mới tuần trước, thị trường còn đặt cược khả năng 100% Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng này hiện chỉ còn hơn 86%.
Ngoài ra, thị trường không còn đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới, mà bắt đầu tính đến khả năng Fed giữ nguyên lãi suất. FedWatch Tool cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng gần 14% Fed không thay đổi lãi suất vào tháng 11.
Phản ánh biến động kỳ vọng lãi suất này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản, đạt 4,02%. Đây là lần đầu tiên lợi suất của kỳ hạn này vượt 4% kể từ hôm 8/8.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên môi trường lãi suất cao hơn gây áp lực giảm lên giá vàng. Đồng thời, vàng được định giá bằng đồng USD, nên xu hướng tăng gần đây của đồng bạc xanh cũng đặt ra sức ép mất giá đối với kim loại quý.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD duy trì vững trong phiên ngày thứ Hai, chốt ở mức 102,54 điểm, tăng nhẹ so với mức chốt của tuần trước. Trong tuần trước, chỉ số tăng hơn 2% do thị trường giảm mạnh đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.
“Sức mạnh của đồng USD là trở ngại trong ngắn hạn đối với triển vọng tăng giá của vàng, khiến giá vàng khó thiết lập được kỷ lục mới”, chiến lược gia cấp cao Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.
“Tôi vẫn cho rằng giá vàng sớm thiết lập được mốc 2.700 USD/oz và mục tiêu dài hạn vẫn là mức 3.000 USD/oz vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị và bấp bênh chính trị sẽ gia tăng khi bầu cử Mỹ tới gần”.
Tâm lý nhà đầu tư vàng trong phiên đầu tuần có thêm chút ảm đạm khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết đã tạm dừng việc mua ròng vàng dự trữ trong 5 tháng liên tiếp.
Theo đó, dự trữ vàng của Trung Quốc duy trì ở mức 72,8 triệu ounce, tương đương gần 2.064 tấn vàng, ở thời điểm cuối tháng 9. Tuy nhiên, giá trị của dự trữ vàng này đã tăng lên mức gần 191,5 tỷ USD vào ngày 30/9 từ mức gần 183 tỷ USD vào cuối tháng 8, do giá vàng tăng.
Trước khi dừng mua ròng vàng liền 5 tháng, PBOC đã có chuỗi 18 tháng liên tục mua ròng vàng.
Trao đổi với Reuters, chiến lược gia Nitesh Shah của công ty Wisdom Tree cho rằng PBOC có thể đang chờ mức giá hấp dẫn hơn để quay trở lại mua ròng vàng. “Tuy nhiên, với lãi suất toàn cầu giảm và căng thẳng địa chính trị tăng, có lẽ PBOC sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa. Chúng tôi dự báo giá vàng sẽ vượt 3.000 USD/oz trong năm tới, nên PBOC có lẽ sẽ phải mua vàng sớm hơn”, ông Shah nói.
Đồng tình với quan điểm trên, các nhà phân tích của công ty Capital Economics cho rằng việc Trung Quốc dừng mua ròng vàng có thể chỉ là tạm thời bởi “cơn khát vàng của Trung Quốc còn nhiều dư địa để duy trì” do căng thẳng địa chính trị toàn cầu tăng, bất định về kinh tế, và những nỗ lực đa dạng hóa khỏi đồng USD.