Công ty CP Vang Thăng Long chưa thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và giảm giá đầu tư tài chính dài hạn số tiền 2,378 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Mặc dù ngành đồ uống tại thị trường Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng kết quả kinh doanh của Vang Thăng Long lại không làm cổ đông hài lòng.
Biên lợi nhuận ở mức thấp
Theo báo cáo tài chính 2017, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vang Thăng Long trong năm 2017 sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 73,56 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm đã giúp Công ty lãi ròng 3,4 tỷ đồng sau thuế, tăng 26,67% so với cùng kỳ 2016.
Vang Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long, ra đời năm 1989 và trực thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Công ty thực hiện cổ phần hóa vào năm 2011, đến năm 2015 thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Sau cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Công ty không có nhiều đột biến cho dù thị trường bia rượu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Doanh thu thuần bình quân hàng năm đạt trên 70 tỷ đồng, còn lợi nhuận dao động trên 3 tỷ đồng. Một điều dễ nhận thấy, từ năm 2013 trở lại đây, Vang Thăng Long ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ trong 6 tháng đầu năm nhưng sau đó được bù đắp hoàn toàn bằng hiệu quả kinh doanh vượt trội trong nửa cuối năm.
Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2017, Công ty báo lỗ từ hoạt động kinh doanh 4,28 tỷ đồng và 3,45 tỷ đồng trước thuế do doanh thu không đủ để bù đắp các khoản chi phí. Tương tự như các năm trước, hiệu quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2017 cải thiện mạnh đủ giúp Công ty lãi ròng sau thuế 3,4 tỷ đồng, duy trì được biên lợi nhuận sau thuế bình quân ở mức 3,5 - 4%.
Nếu trích lập dự phòng theo quy định, lợi nhuận sẽ giảm mạnh
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Nam Việt (AASCN) đã đưa ra hai vấn đề ngoại trừ tại báo cáo tài chính của Vang Thăng Long.
Đầu tiên, liên quan phải thu khách hàng tại thời điểm 31/3/2018, một số khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán nhưng Vang Thăng Long chưa thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi số tiền 2,058 tỷ đồng. Trong trường hợp thực hiện trích lập dự phòng theo đúng quy định thì lợi nhuận sau thuế của Công ty sẽ giảm đi tương ứng 2,058 tỷ đồng.
Tiếp đến là việc Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tại một số đơn vị như Công ty CP Rượu Hapro, Công ty CP Bao bì nhựa Thăng Long. Tổng hợp lại, nếu Vang Thăng Long thực hiện đánh giá lại trong kỳ kế toán năm 2017 thì lợi nhuận sau thuế sẽ giảm trên 2,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc Vang Thăng Long đã thực hiện chi khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên phát sinh từ năm 2010 đến ngày 31/12/2017 với số tiền 2,045 tỷ đồng chưa có nguồn để bù đắp, Công ty hiện đang theo dõi trên khoản mục “Phải thu ngắn hạn khác”. Khoản chi trước này dự kiến sẽ được bù đắp từ lợi nhuận sau thuế năm 2018.
Kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc phần nào được phản ánh qua giao dịch cổ phiếu VTL của Vang Thăng Long trên HNX. Mặc dù neo ở giá 22.500 đồng/CP nhưng VTL không có thanh khoản trong một thời gian dài.