Vấn nạn yêu cầu hàng mẫu khi mua sắm hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Yêu cầu hàng mẫu trong giai đoạn đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng đối với hàng hóa thông dụng, sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa nếu không có sự chấp thuận của người có thẩm quyền là hành vi vi phạm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Tuy vậy, hiện tượng yêu cầu hàng mẫu vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục và cần sớm có câu trả lời thấu đáo xung quanh vấn nạn này.
Tại Gói thầu MSHH số 03 Thiết bị đồ gỗ, có tới 8 trong số 9 nhà thầu tham dự bị loại liên quan đến hàng mẫu, dẫn tới kiến nghị phức tạp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tại Gói thầu MSHH số 03 Thiết bị đồ gỗ, có tới 8 trong số 9 nhà thầu tham dự bị loại liên quan đến hàng mẫu, dẫn tới kiến nghị phức tạp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ai thanh toán chi phí cho nhà thầu?

Theo một nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị trường học tại TP.HCM, chi phí chuẩn bị hàng mẫu là rất lớn. “Có những sản phẩm thông dụng, có sẵn và phù hợp quy cách như bàn, ghế học sinh giáo viên, việc cung cấp hàng mẫu, dù phát sinh chi phí nhưng không quá khó với nhà thầu. Tuy nhiên, có những sản phẩm sản xuất theo đơn nguyên (đặt hàng mới có), việc ấn định thời gian hạn hẹp để cung cấp hàng mẫu là cực kỳ khó khăn, thậm chí không khả thi”, nhà thầu cho biết.

Thông thường, một gói thầu mua sắm thiết bị trường học quy mô trên 5 tỷ đồng, với phạm vi cung cấp hơn 200 mặt hàng, nếu yêu cầu hàng mẫu, sẽ phát sinh chi phí ít nhất từ 200 - 300 triệu đồng. “Liệu có nhà thầu nào chấp nhận chi phí này ở khâu dự thầu, kể cả thương thảo hợp đồng khi chưa có quyết định trúng thầu? Điều này lý giải tại sao những gói thầu yêu cầu hàng mẫu thường thu hút rất ít nhà thầu tham gia, hoặc chỉ 1 nhà thầu đáp ứng”, một nhà thầu cung cấp thiết bị giáo dục tại Bình Định chia sẻ.

Theo quy định hiện hành, mọi thủ tục, chi phí dự thầu của nhà thầu đã được tiết giảm, thu gọn hết sức. Theo đó, các chi phí đi lại, in ấn, photocopy, công chứng… đã không còn là gánh nặng cho các nhà thầu mỗi khi dự thầu. Tuy nhiên, việc yêu cầu hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng lại khiến các nỗ lực tiết kiệm chi phí cho nhà thầu của cơ quan ban hành chính sách giảm ý nghĩa. “Mỗi gói thầu yêu cầu hàng mẫu khiến nhà thầu phân tán nguồn lực tài chính từ hàng chục đến hàng trăm triệu là điều cực kỳ bất cập mà cấp trình, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu cần chấn chỉnh. Nếu đúng theo tinh thần của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, nhà thầu chỉ có trách nhiệm cung cấp hàng mẫu sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu”, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Ai chịu trách nhiệm về tính khách quan khi đánh giá hàng mẫu?

Ít nhất 5 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Phát Lộc làm bên mời thầu đưa ra yêu cầu hàng mẫu để làm cơ sở nghiệm thu trong thời gian 5 ngày kể từ khi thông báo. Hàng mẫu được gửi đến địa chỉ đơn vị sử dụng chứ không tập trung tại một địa điểm. Nhiều nhà thầu bị loại do không cam kết hàng mẫu, hoặc hàng mẫu bị đánh giá không đạt tại các gói thầu này.

Trước đó, tại Gói thầu Mua sắm hàng hóa số 03 Thiết bị đồ gỗ thuộc Dự toán thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2017 - 2020 (giá trị hơn 10 tỷ đồng), có tới 8 trong số 9 nhà thầu tham dự bị loại liên quan đến hàng mẫu, dẫn tới kiến nghị phức tạp. Các nhà thầu cho rằng, hàng mẫu của mình đã bị đánh giá không chính xác, thiếu kiểm chứng.

Tại TP.HCM, một trường học tại Quận 6 đã yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Khi nhà thầu cung cấp hàng mẫu, không có bộ phận tiếp nhận, từ chối nhận hàng mẫu. Sau đó, nhà thầu này bị loại do hàng mẫu không đạt.

“Việc xét hàng mẫu gồm những bộ phận chuyên môn nào? Tiêu chuẩn nào trong việc xét hàng mẫu? Tại sao không có sự chứng kiến của nhà thầu khi xét hàng mẫu vì đây là tài sản giá trị của nhà thầu?... là những câu hỏi mà phóng viên tiếp nhận trong nhiều văn bản phản ánh của nhà thầu.

Nhiều bên mời thầu yêu cầu hàng mẫu nhưng lại thiếu hướng dẫn cụ thể như: địa điểm, đầu mối liên hệ, biên bản bàn giao hàng mẫu. Thậm chí, có nhiều trường hợp, hàng mẫu của nhà thầu đến không ai tiếp nhận, không được bảo quản đúng quy định. Khi xét hàng mẫu, việc đo, test của bên mời thầu có thể không bảo đảm chính xác, khách quan… Đó là những rủi ro thực tế của các nhà thầu.

Theo chuyên gia đấu thầu, trong những gói thầu người có thẩm quyền chấp thuận yêu cầu hàng mẫu, cần có hội đồng đánh giá hàng mẫu, cần có đơn vị kiểm định độc lập cùng đánh giá, kiểm tra hàng mẫu.

Chuyên đề