Văn hóa báo chí nhìn từ những điều bình dị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc đẩy việc xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại". Cùng với đó, cần tạo lập văn hóa báo chí, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí...
Khi người làm báo tuân thủ pháp lý và chuẩn mực đạo đức, đồng thời xây đắp những phẩm chất tốt đẹp sẽ tạo nên văn hóa của cá nhân, của ấn phẩm, của tổ chức mình phụng sự
Khi người làm báo tuân thủ pháp lý và chuẩn mực đạo đức, đồng thời xây đắp những phẩm chất tốt đẹp sẽ tạo nên văn hóa của cá nhân, của ấn phẩm, của tổ chức mình phụng sự

"Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan, có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá và khẳng định, đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Phẩm chất người làm báo

Tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng. Báo chí góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Nhiều bài báo làm lay động con tim, tạo động lực, truyền cảm hứng, góp sức làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Thủ tướng thúc đẩy việc xây dựng đội ngũ người làm báo có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại" như lời Bác Hồ căn dặn. Cùng với đó, cần tiếp tục tạo lập văn hóa báo chí, giúp chấn chỉnh những diễn biến "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

Bàn về phẩm chất người làm báo trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2023, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, người làm báo cần tuân thủ nhiều chuẩn mực. Đó là chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực văn hóa, bởi người làm báo mang bản chất của người làm văn hóa, lan tỏa văn hóa, bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị của một ngành, một vùng, một dân tộc… “Khi phỏng vấn một em bé, người làm báo cần ngồi xuống để thể hiện thái độ tôn trọng nhân vật. Một em bé cũng là đối tượng của bài viết, là Nhân dân, là chủ thể mà chúng ta chọn để lắng nghe, để tạo nên tác phẩm”, bà Hằng nói.

Chuẩn mực pháp lý, như bà Thu Hằng chia sẻ, là những nội dung đã được pháp luật quy định. Luật điều tiết hoạt động của mọi chủ thể, nhưng có những hành vi Luật không bao quát hết. Người làm báo phải soi vào chuẩn mực tiếp theo là đạo đức. Đó là những nguyên tắc, quy tắc được mọi người thừa nhận trở thành mực thước, khuôn mẫu đạo đức xã hội. Chế tài của chuẩn mực đạo đức chính là lương tâm. Người làm nghề tuân thủ pháp lý và chuẩn mực đạo đức, đồng thời luôn có ý thức xây đắp những phẩm chất tốt đẹp sẽ tạo nên văn hóa của cá nhân, của ấn phẩm, của tổ chức mình phụng sự.

Luật Báo chí 2016 quy định 13 loại hành vi bị nghiêm cấm với người làm báo. Năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp với người làm báo. Tháng 6/2022, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Bộ Tiêu chí văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo. Các tiêu chí này thúc đẩy cơ quan báo chí đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, lan tỏa những điều tốt đẹp ra xã hội... Với người làm báo, bên cạnh yêu cầu phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng, là yêu cầu hành nghề trung thực, công tâm; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng…

Trong quan điểm của bà Thu Hằng, người làm báo được học ở những trường do Nhà nước đầu tư, được các cơ quan báo chí nuôi dưỡng, được đầu tư, trang bị kiến thức, lý luận, phương tiện làm nghề… Cái gốc ấy đáng để nhà báo tự soi mình trên bước đường tác nghiệp. Văn hóa là một phạm trù định tính, nhưng trong nghề làm báo, văn hóa biểu hiện từ những điều rất cụ thể. Dù là một em bé, một người dân, một doanh nghiệp, việc của nhà báo là lắng nghe cho kỹ và tìm cách diễn đạt chuẩn xác câu chuyện. “Hành vi của người làm báo nếu vi phạm chuẩn mực đạo đức và văn hóa, sẽ gây ảnh hưởng rất xấu trong xã hội”, bà Hằng nói và cho rằng, kiểu tác nghiệp “ăn cơm chỗ này phục vụ chỗ kia” không thể là văn hóa.

Nuôi dưỡng văn hóa “Vì Nhân dân phục vụ”

Từ thuở Bác Hồ khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam đến nay, trùng trùng điệp điệp những người làm báo cách mạng qua các thời kỳ lịch sử đã có những cống hiến quan trọng, vô cùng đáng tự hào. Tuy nhiên, trong đời sống báo chí ngày nay, có một bộ phận mang danh báo chí nhưng cố tình làm sai, trục lợi nghề nghiệp. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định và cho rằng, trong tác nghiệp thực tế, có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức không cho phép. “Khi chúng ta ngồi trước trang giấy, chúng ta viết, chỉ lúc đó chúng ta mới biết, điều chúng ta viết phục vụ ai. Ngòi bút có thể bị bẻ cong lúc viết”, ông Lợi nói và nhắc nhở, mỗi lần cầm bút là một lần cần nhớ câu nói của Bác Hồ: “Viết để làm gì, viết cho ai, viết như thế nào?”.

“Những bài báo chúng ta viết hàng ngày, những thước phim chúng ta làm là những sứ giả văn hóa để chúng ta đi vào xã hội”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ và nhận định, báo chí là một bộ phận văn hóa, đồng thời truyền tải văn hóa, lan tỏa văn hóa đến công chúng. Trong mối quan hệ ấy, văn hóa tác động trở lại, soi đường cho báo chí của chúng ta.

Đau đáu trước những biểu hiện sai lệch của một bộ phận người làm báo, nhà báo Hồ Quang Lợi đã thúc đẩy lòng tự hào nghề nghiệp và tinh thần của người làm báo cách mạng từ câu chuyện của chính mình.

Ông kể, một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc đời ông là khi tạm biệt Báo Quân đội Nhân dân - nơi ông phục vụ gần 30 năm - để sang một cơ quan khác. “Tôi phải cân nhắc rất lâu mới quyết định được. Tôi cứ băn khoăn mãi, Quân đội cho tôi trưởng thành, tôi không thể rời quân phục ra ngoài”, ông nói. Nhưng một vị lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã lắng nghe tâm tư của ông và bảo: “Quân đội là của Nhân dân, Thủ đô là của cả nước. Anh ở Quân đội phục vụ Nhân dân. Anh về làm Báo Hà Nội Mới là phục vụ Thủ đô, phục vụ cả nước”. “Tôi thấy lời động viên tuyệt quá. Cách nghĩ vì Nhân dân phục vụ chính là văn hóa”, ông Lợi nói.

Việt Nam có một nền văn hóa đánh giặc, nền văn hóa bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa quân sự, ngày nay vẫn tiếp tục lan tỏa trong đời sống xã hội, góp sức xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp. Những biểu hiện sai lệch của “phóng viên IS”, phóng viên nhóm, “đánh đấm”, “đếm tầng”… ít nhiều làm uy tín báo chí suy giảm, làm tổn thương danh sự của đội ngũ những người làm báo chân chính. Theo đó, ông Lợi cho rằng, việc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Những nỗ lực này nhằm tiếp nối chặng đường xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu chất nhân văn cao đẹp, vì Nhân dân phục vụ, Tổ quốc trên hết. Văn hóa người làm báo sẽ thúc đẩy ngòi bút tạo nên những sản phẩm báo chí khách quan, trung thực, luôn quan tâm đến con người, tôn trọng con người, vì con người.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư