Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp còn mờ nhạt

(BĐT) - Là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng trên thực tế vai trò của các hiệp hội hiện vẫn còn rất mờ nhạt.
Có ý kiến cho rằng, các hiệp hội cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động
Có ý kiến cho rằng, các hiệp hội cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động
Các ý kiến tại buổi tọa đàm “Nhìn nhận thách thức và định hướng hỗ trợ” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/12/2019 tại TP.HCM xoay quanh vấn đề làm sao để các hiệp hội thể hiện vai trò của mình, hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hội viên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Hoạt động của hiệp hội vẫn chưa đạt hiệu quả cao
Trước 20 hiệp hội tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, TS. Trần Du lịch - Phó Chủ tịch VIAC, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, là cầu nối giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hội viên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động của hiệp hội vẫn chưa đạt được hiệu quả cao do tác động từ nhiều yếu tố như nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính...
Ông Lịch cho rằng, ngày nay, các hiệp hội cần chủ động hơn, đặc biệt trong công tác phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, hội viên sẽ được trang bị nhiều hành trang thiết yếu để nhanh chóng hội nhập, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Theo luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC, khi gặp các vấn đề về pháp lý hoặc yêu cầu hỗ trợ pháp lý từ phía hội viên, điều tra cho thấy, 45% các hiệp hội tự mày mò tìm hiểu và giải quyết, 25% tham vấn ý kiến của luật sư và số còn lại xin hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, hiện chỉ có 35% tổng số hiệp hội có bộ phận chuyên trách về pháp luật.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc tận dụng ưu đãi, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của doanh nghiệp trong nước không nhiều. Đây chính là những thách thức của doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa được đặt ra là, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những bất ổn của thị trường Hồng Kông kéo theo các nhà đầu tư của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Hiện các bộ, ngành đang tăng cường rà soát các dấu hiệu gian lận thương mại để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa quan tâm đầu tư trong việc tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là vấn đề hội nhập. Vì vậy, việc phối hợp liên kết giữa VCCI, VIAC và các hiệp hội sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho các bên, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Nhiều vấn đề gây phiền hà cho doanh nghiệp chưa được giải quyết
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, trong thời gian qua, nhiều vấn đề gây phiền hà cho doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vậy, vấn đề trọng tâm cần đặt ra cho Hiệp hội là phải lên tiếng góp ý với các bộ, ngành để khắc phục những tồn tại đó.
Đơn cử như việc Nhà nước đầu tư 34 nghìn tỷ đồng cho công tác kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu, nhưng kết quả thu được là chưa đến 1% kiểm tra phát hiện có vi phạm. Như vậy là không cần thiết, mà việc này có thể chuyển giao cho  doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước luật pháp, đồng thời cũng giảm đi bộ máy cồng kềnh kiểm tra chuyên ngành.
Một vấn đề nữa, đó là theo quy định, không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm, nhưng thực tế việc này không làm được. Bởi, các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra đều có kế hoạch độc lập và không ai thừa nhận kết quả kiểm tra của các các cơ quan đã kiểm tra trước. Đó là chưa kể, có nhiều cuộc kiểm tra doanh nghiệp không minh bạch...
“Qua phản ánh của doanh nghiệp, các hiệp hội nên có sự tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá, và đề xuất các giải pháp. Đây cũng là đóng góp hiệu quả của hiệp hội trong việc thực hiện chương trình cải thiện môi trường kinh doanh”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhấn mạnh.
Theo ông Lịch, luật pháp cũng từ thực tiễn mà ra. Vì vậy, các hiệp hội cần tập trung nhiều hơn trong công tác nghiên cứu. Vì nếu nghiên cứu sâu sẽ phát hiện những chồng chéo, mâu thuẫn... Vấn đề cần giải quyết đó là làm sao để vai trò của hiệp hội nối kết được doanh nghiệp với nhau trong một số ngành nghề và giữa ngành nghề nọ với ngành nghề kia trong chuỗi giá trị.
 

Luật sư Châu Việt Bắc cho hay, khi tiếp xúc với khoảng 10 hiệp hội lớn thì thấy các hiệp hội có nhu cầu liên quan đến vấn đề pháp lý rất nhiều. Chẳng hạn như Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Trong thời gian qua, VIAC và các hiệp hội này đã kết nối, hỗ trợ cho các hội viên soạn thảo những mẫu hợp đồng nội và ngoại, tập huấn những khóa đào tạo liên quan đến pháp lý, hòa giải thương mại...

Tính đến nay, VIAC đã giải quyết hơn 2.500 vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến nhiều lĩnh vực: mua bán hàng hóa, dịch vụ, bất động sản, xây dựng...

Chuyên đề