Vạch con đường mới cho ngành công nghiệp hóa dược

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nền tảng quan trọng, không thể thiếu để phát triển ngành công nghiệp dược, dược liệu là phải có công nghiệp hóa dược (CNHD). Dự thảo Chương trình phát triển CNHD đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Công Thương xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, thúc đẩy ngành công nghiệp dược, dược liệu tại Việt Nam.
Phần lớn cơ sở vật chất và các trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất thuốc còn thiếu, không đồng bộ, chưa tương thích với công nghệ tiên tiến. Ảnh: Nhã Chi
Phần lớn cơ sở vật chất và các trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất thuốc còn thiếu, không đồng bộ, chưa tương thích với công nghệ tiên tiến. Ảnh: Nhã Chi

Theo thống kê, Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về hóa dược đến năm 2020 đã tạo được 36 sản phẩm với doanh thu đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước.

Theo Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, đến nay, cả nước có 3 doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược có nhà máy đạt chuẩn GMP (Công ty CP Hóa dược Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Tam Long và Công ty TNHH Novaglory). Hiện có khoảng trên 10.000 loại hóa chất được dùng trong y học, nhưng ngành CNHD trong nước vẫn chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ với các sản phẩm dược chất (API) tổng hợp hóa học và chiết tách, tinh chế còn rất ít, đơn giản, chủ yếu ở dạng thô, bán thành phẩm như: terpin hydrat, một số dẫn chất armisinin và kháng sinh ampicilin, amoxicilin, CaCO3…; giá thành cao, ít lãi, thiếu đầu tư cho việc nâng cao chất lượng. Phần lớn cơ sở vật chất và các trang thiết bị nghiên cứu và sản xuất thuốc còn thiếu, không đồng bộ, chưa tương thích với công nghệ tiên tiến...

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do hành lang pháp lý mới chủ yếu giải quyết các bất cập ở khâu sản xuất thành phẩm thuốc (bào chế), phân phối thuốc, đấu thầu thuốc, mà chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển các khâu quan trọng, cốt lõi khác là sản xuất nguyên liệu làm thuốc và nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.

Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực CNHD đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật (7 luật), nhưng phần lớn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đột phá. Điều kiện hưởng ưu đãi còn chưa phù hợp; quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư khá phức tạp và mất nhiều thời gian… làm giảm tính hấp dẫn của các ưu đãi.

So với các nước trên thế giới, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) CNHD của nước ta còn rất thấp (giai đoạn 2007 - 2020 là 242 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 1.000 tỷ đồng). Trong khi đó, năm 2021, Mỹ đã chi khoảng 51 tỷ USD cho R&D dược phẩm, Trung Quốc chi khoảng 205 tỷ Nhân dân tệ (29 tỷ USD)….

Nhiều quốc gia đã xây dựng các khu công nghiệp dược phẩm tập trung, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm (Genome Valley tại Ấn Độ thu hút hơn 200 công ty trong và ngoài nước; Tuas Biomedical Park của Singapore cũng là nơi đóng trụ sở của nhiều tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới...).

Chẳng hạn, để được hưởng ưu đãi đầu tư, doanh nghiệp phải có dự án quy mô từ 6.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; sử dụng trên 3.000 lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp dược ở Việt Nam hiện nay đều ở quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn như Công ty CP Dược Hậu Giang mới đạt doanh thu thuốc năm 2023 là 2.913 tỷ đồng, nên hầu như chưa có DN nào được hưởng ưu đãi đầu tư này.

Tại Dự thảo Chương trình phát triển CNHD đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Công Thương đề xuất mục tiêu đến năm 2030 phải nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa được ít nhất 30 sản phẩm là nguyên liệu hóa dược, thuốc, thực phẩm chức năng, tá dược từ tổng hợp hữu cơ, từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, dược liệu, công nghệ sinh học…; sản xuất được 100 tạp chuẩn, 20 chất chuẩn cho ngành hóa dược và dược; có ít nhất 10 doanh nghiệp được hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất, đào tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ các sản phẩm hóa dược… Hình thành và xây dựng 2 khu CNHD tại miền Bắc và miền Trung; 1 trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư và chuyển giao CNHD và trung tâm nghiên cứu phát triển và đánh giá tương đương sinh học.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Dự thảo Chương trình đưa ra nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách (sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Dược, Luật Hóa chất, Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, các luật thuế…); quy hoạch phát triển dược liệu, CNHD; tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực…

Góp ý cho Chương trình, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát thêm các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đã có để đưa ra các giải pháp cụ thể hơn. Trong bối cảnh lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, Chương trình cần lưu ý để đăng ký đúng thời hạn và nên tập trung vào các dự án động lực lớn.

Chuyên đề