Vaccine phòng Covid-19 Made in Vietnam: Cần sự chung tay của chuyên gia, trí thức kiều bào

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hoàn cảnh cam go của cuộc chiến chống đại dịch ở trong nước hiện nay, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc kêu gọi, chuyên gia, trí thức người Việt có kiến thức sâu rộng đang sống và làm việc ở các trung tâm khoa học lớn, hàng đầu thế giới chung tay hiến kế cho Chính phủ để sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhất là trong việc sản xuất vaccine phòng Covid-19 Made in Vietnam.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Lời kêu gọi này được phát đi tại cuộc Tọa đàm Chuyên gia kiều bào chung tay vượt đại dịch - Vaccine made in Vietnam do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trực tuyến chiều 20/8. Cuộc đối thoại nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kiều bào có chuyên môn, kinh nghiệm đối với việc nghiên cứu, thử nghiệm, quy trình, thủ tục cấp phép vắc xin phòng Covid-19.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát gần 2 năm. Lịch sử thế giới xưa nay đã xảy ra nhiều đại dịch như: tả, dịch hạch, sida... và thông thường virus phát tán thông qua vật thứ ba, rất ít khi lây trực tiếp. Nhưng trong lần này, Covid-19 lây trực tiếp giữa người với người thông qua không khí, thời gian nhiễm bệnh và tỷ lệ tỷ vong khác hẳn trước đây và có tác động rất ghê gớm. Cả nhân loại, cũng như Việt Nam nói riêng, việc đối mặt với dịch bệnh này là vô cùng gian khó, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử.

Theo dự báo, dịch Covid-19 trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng và vô cùng khó khăn. Nếu như thời gian đầu, Việt Nam được đánh giá cao trong chiến dịch phân luồng, truy vết, thì hiện nay tình hình ngày càng khó khăn hơn rất nhiều.

Một trong những giải pháp khống chế dịch được xem hiệu quả nhất hiện nay là vaccine. Ý thức được điều này, Chính phủ đã huy động vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, từ đặt mua trực tiếp, mua lại của doanh nghiệp hay nhận viện trợ... Nhưng chỉ trông chờ vào nguồn vaccine bên ngoài để tiêm đủ cho trên 90 triệu dân là không đủ bởi sự khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu. Do đó, từ rất sớm, Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo, cần phải tự chủ được nguồn vaccine trong nước, để bù đắp cho nguồn thiếu hụt này.

Thực tế, thời gian qua, giới khoa học và doanh nghiệp trong nước đã hết sức nỗ lực để sớm có vaccine chống chọi với đại dịch. Hiện Việt Nam có một số đơn vị đang được nghiên cứu, sản xuất như Covivac, Nanocovax, Novavax, Vibiotech... Về tiến độ độ thực hiện, Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen đang thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine Nanocovax, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) đang thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine Covivac, VinBiocare (Tập đoàn Vingroup) thử nghiệm giai đoạn 1 đối với vaccine ARCT-021. Một số nhà sản xuất vaccine trong nước có sự phối hợp với đối tác Hoa Kỳ, đối tác Sputnik (Nga), Nhật Bản, Cuba...

Tuy nhiên, việc sản xuất vaccine trong nước cũng đặt ra nhiều thách thức. Một mặt phải sớm có vaccine để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch; mặt khác phải đảm bảo tính an toàn, tính sinh kháng thể sau tiêm...

Thực tế sản xuất vaccine của nhiều tập đoàn, công ty lớn ở các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, không phải công ty nào cũng thành công. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, điều kiện trong nước vô cùng khó khăn, từ trang thiết bị, tri thức khoa học, nguồn lực về tài chính, con người... tất cả đều còn rất khiêm nhường.

“Do đó, cần phải huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước. Sự đóng góp ý kiến, chung tay hiến kế, dù ở phương diện nào cũng đều rất đáng quý, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu, Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Tổ công tác ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng cùng sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành liên quan. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đặt trọng tâm vào chiến lược vaccine phòng Covid-19.

Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm, thúc đẩy, triển khai đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị y tế, Tổ công tác còn có nhiệm vụ thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Do vậy, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Tổ công tác rất mong muốn lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến đóng góp, khuyến nghị của các chuyên gia, trí thức kiều bào về việc thử nghiệm, cấp phép cũng như cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để phấn đấu đưa Vaccine Made in Vietnam vào sử dụng trong năm nay, tăng miễn dịch cộng đồng giúp sớm đẩy lùi dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề