Vắc xin phòng Covid-19 - tấm hộ chiếu an toàn để sớm phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các kết quả nghiên cứu và khảo sát doanh nghiệp gần đây của các tổ chức quốc tế cho thấy những tác động không nhỏ của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của AmCham về tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam lên tình hình kinh doanh vừa được công bố ngày 24/5, sự bùng phát dịch bệnh đang gây ra sự lo lắng và bất ổn trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Thách thức lớn nhất là thiếu vắc xin có sẵn để bảo vệ các thành viên trong nhóm của họ và không thể đưa những nhân sự quan trọng, cần thiết đến Việt Nam do yêu cầu đi lại và thủ tục giấy tờ nặng nề.

Hơn 70% người được hỏi cho biết công ty của họ hiện đang hạn chế việc đi công tác tại Việt Nam. Khoảng 90% thành viên AmCham đã hủy bỏ công việc hoặc chuyến du lịch cá nhân do dịch bệnh bùng phát hiện tại.

“Sức khỏe và sự an toàn của người dân Việt Nam nên được giữ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Đồng thời, cũng cần ghi nhận tầm quan trọng của việc du lịch từ ngoài nước có thể đưa về các chuyên gia người nước ngoài và các doanh nhân cần thiết cho việc tạo điều kiện đầu tư mới, vận hành hiệu quả, cơ sở hạ tầng quan trọng, giáo dục cho trẻ em Việt Nam và hơn thế nữa. Kết quả khảo sát đã cho thấy 81% hội viên nói rằng công ty của họ sẽ đưa thêm người đến Việt Nam nếu thời gian cách ly bắt buộc được giảm từ 21 ngày xuống còn 7 ngày. Dịch bệnh sẽ còn tiếp tục gây ra gián đoạn và việc buộc mọi người ở trong nhà vài tuần có thể là một ý tưởng tốt cho hiện tại, tuy vậy các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cũng cần thực sự cân nhắc một hệ thống hồ sơ nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam”, ông Adam Sitkoff - Giám đốc Điều hành AmCham cho biết.

Theo kết quả khảo sát, các thành viên của AmCham liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiều người được tiêm vắc xin hơn nữa. Vắc xin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. AmCham khuyến khích các cơ quan ban hành những thủ tục nhập cảnh nhẹ nhàng hơn đối với hành khách là các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài, và thậm chí cả khách du lịch đã được tiêm vắc xin đầy đủ.

Thực tế cho thấy, 88% thành viên AmCham phản hồi rằng công ty của họ sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc xin chất lượng cao tại đây. 98% công dân Hoa Kỳ trả lời khảo sát cảm thấy chính phủ Hoa Kỳ nên cung cấp hoặc đảm bảo sự sẵn có của vắc xin cho tất cả người Mỹ sống ở Việt Nam.

88% thành viên AmCham phản hồi rằng công ty của họ sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc xin chất lượng cao tại Việt Nam

88% thành viên AmCham phản hồi rằng công ty của họ sẽ trả thêm tiền để được nhận vắc xin chất lượng cao tại Việt Nam

Giám đốc Điều hành của AmCham tiếp tục đề xuất, cần tập trung các nguồn lực tài chính từ các công ty, nếu Chính phủ có thể nhanh chóng đảm bảo tình trạng sẵn sàng của vắc xin cho các công ty thành viên. Tình trạng sẵn sàng của vắc xin hiện đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các hội viên của AmCham và cho đến khi thêm nhiều người được nhận các mũi tiêm, sẽ còn xuất hiện thêm những đợt bùng phát và gián đoạn do virus gây ra.

Nắm bắt được tầm quan trọng này, mới đây Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19, nhằm tiếp nhận nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ việc mua và tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ đó sớm đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Không chỉ dừng lại biên giới một quốc gia, việc đồng bộ trong việc tiêm vắc xin giữa các nước trong khu vực, các nền kinh tế trên thế giới sẽ giúp cho kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (Matthias Helble và Won Hee Cho), với giả định là việc cấp hộ chiếu vắc xin sẽ được thực hiện và cho phép những người đã được tiêm vắc xin có thể đi du lịch ở phạm vi tương tự như trước khi có đại dịch, ngành du lịch dự kiến sẽ phục hồi sớm nhất vào năm 2023.

Tuy nhiên, sự phục hồi được dự kiến là sẽ diễn ra không đồng đều, cả về lượng khách du lịch đi và đến. Những người từ các nền kinh tế triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và thành công có thể là những người đầu tiên lũ lượt đi du lịch trở lại. Tương tự như vậy, các quốc gia đạt được tiêm chủng rộng rãi nhanh hơn sẽ có nhiều khả năng là những nước đầu tiên mở cửa biên giới cho du lịch quốc tế.

Mặc dù những tiến bộ tiêm chủng trong khu vực là không đồng đều, nhưng châu Á cần khẩn trương hợp tác song phương và khu vực để xây dựng một quy trình vắc xin chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới. Một thẻ thông hành chung phải dễ sử dụng, chống gian lận và có sẵn dưới dạng kỹ thuật số. Các nỗ lực hội nhập khu vực hiện tại, chẳng hạn như các thỏa thuận thương mại và hợp đồng kỹ thuật, có thể cung cấp một nền tảng để các quốc gia đàm phán. Ngoài việc giúp cho việc đi lại được dễ dàng hơn nhiều, việc cung cấp hộ chiếu vắc xin chung còn khiến cho mọi người có thêm động lực để tiêm chủng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề