Ưu đãi hàng Việt trong đấu thầu: Quyết sách đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay trong những tháng ngày căng thẳng nhất vì đại dịch Covid-19, thật tự hào khi các nhà thầu Việt Nam ghi danh tại những gói thầu quốc tế lớn. Hành trình định vị hàng Việt trên thương trường đã được đặt nền móng hơn 10 năm với rất nhiều chính sách tích cực. Qua thời gian, sự phát triển vững mạnh của nhà thầu Việt, tần suất trúng thầu của hàng hóa xuất xứ Việt Nam ngày càng cao đã chứng minh sự đúng đắn của chính sách đột phá hỗ trợ hàng Việt đi vào cuộc sống.
Không chỉ trong nước, nhiều sản phẩm cơ khí đã vươn ra nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Không chỉ trong nước, nhiều sản phẩm cơ khí đã vươn ra nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Nhà thầu Việt “mang chuông đi đánh xứ người”

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) cho biết đã ký kết hợp đồng Gói thầu EPCI05 thuộc Dự án Gallaf Batch 3 với chủ đầu tư North Oil Company - một công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar (Qatar Petroleum) và Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp).

Dự án Gallaf Batch 3 là giai đoạn phát triển tiếp theo của mỏ Al-Shaheen, nằm ngoài khơi vùng biển Qatar. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới do North Oil Company điều hành. Gói thầu EPCI05 là một thành phần quan trọng trong Dự án bao gồm 2 giàn đầu giếng với tổng khối lượng khoảng 19.000 tấn. Sau một thời gian dài theo đuổi, tham gia vào các quá trình sàng lọc, đấu thầu và đàm phán, PTSC M&C đã vượt qua các nhà thầu tên tuổi trong khu vực và thế giới để thắng thầu một cách thuyết phục. PTSC M&C trở thành tổng thầu trọn gói cho toàn bộ các hạng mục của Gói thầu EPCI05 từ thiết kế chi tiết, mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy đến vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử và hoàn thiện ngoài khơi cho 2 giàn đầu giếng. Gói thầu mang lại việc làm cho người lao động của PTSC M&C trong hơn 3 năm.

Tin vui này tạo ra niềm hưng phấn cho cộng đồng các nhà thầu cơ khí, chế tạo máy nói riêng cũng như các nhà thầu Việt nói chung. PTSC M&C đang dần vươn lên thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam khi xuất chinh và mang lại nhiều chiến thắng ngoạn mục. PTSC M&C cho biết, sự lớn mạnh hiện nay xuất phát từ chính những gói thầu mà doanh nghiệp (DN) này được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước.

Cũng trong đại dịch, một DN của Việt Nam lần thứ 2 trúng lô thầu xuất khẩu gạo sang thị trường Hàn Quốc - thị trường khó tính, khó chen chân đối với nhà thầu Việt. Theo đó, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An trúng thầu hai lô gạo cung ứng cho thị trường Hàn Quốc. Được biết, Trung An trước đó cũng thắng thầu 2 lô gạo tại thị trường này với tổng khối lượng gần 23.000 tấn. Phản hồi của đối tác Hàn Quốc rất tích cực, tạo cơ sở để Trung An duy trì đà thắng lợi ở những lô thầu cung cấp gạo tiếp theo.

Hệ thống chính sách mở đường cho hàng Việt

Một trong những nền tảng quan trọng giúp hàng Việt tạo dựng vị thế là hệ thống chính sách hỗ trợ hàng Việt. Đầu tiên phải kể đến Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Các ưu đãi cho nhà thầu, hàng hóa trong nước đã góp phần đưa hàng hóa Việt vào các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, chủ động trong cung ứng thi công, hạn chế nhập siêu…

Luật Đấu thầu 2013 có sự đột phá quan trọng khi quy định chi tiết ưu đãi, hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước khi tổ chức đấu thầu. Những quy định này khuyến khích nhà thầu sử dụng hàng Việt khi tham gia đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa; buộc nhà thầu ngoại phải san sẻ cơ hội cho nhà thầu nội khi tham gia thị trường mua sắm công tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu. Tiếp đó, sự ra đời của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu đã tạo điều kiện để hàng hóa sản xuất trong nước giành được nhiều điểm cộng khi dự thầu, tăng khả năng thắng thầu.

Năm 2017, Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ khi nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của nhà thầu trong nước.

Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Theo đó, để phát huy hiệu quả Cuộc vận động, Ban Bí thư yêu cầu bổ sung chính sách hỗ trợ DN, tiếp tục phát huy các ưu đãi đối với hàng sản xuất trong nước khi tổ chức đấu thầu.

Là một trong những đơn vị nhiều năm trước mạnh mẽ lên án sự phân biệt đối xử, tư duy gạt hàng Việt “ra rìa” khi tổ chức đấu thầu, đến nay, Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đã nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực. “Chính sách ưu đãi đối với hàng hóa xuất xứ trong nước đã được quy định rõ khi tổ chức đấu thầu. Đồng thời, với sự nỗ lực không ngừng của chính các DN Việt, cộng với tính cạnh tranh của đấu thầu qua mạng, hàng hóa xuất xứ nội địa đã từng bước chinh phục khách hàng sử dụng ngân sách nhà nước”, đại diện Hiệp hội cho biết.

Nếu những năm 2015 - 2017 vẫn tồn tại việc làm khó hàng Việt trong đấu thầu thì hiện nay, gần như không còn nhà thầu nào phản ánh về tình trạng này. Bởi pháp luật về đấu thầu và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đều quy định, khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải tuân thủ quy định về ưu đãi hàng hóa sản xuất trong nước. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, tổ chuyên gia cần bám sát các tiêu chí đã quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu về nội dung ưu đãi. Nghiêm cấm việc cố tình không tính ưu đãi cho nhà thầu. Đồng thời, khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần quy định rõ nội dung ưu đãi đảm bảo khả năng tham gia của các nhà thầu, DN trong nước có sản phẩm đổi mới, sáng tạo trong Danh mục đổi mới, sáng tạo hoặc Danh mục sản phẩm quốc gia.

Các DN cũng vui mừng với quy định khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả.

Bên cạnh đó, nỗ lực cập nhật danh mục hàng hóa sản xuất trong nước của Bộ Công Thương và Bộ Y tế trong thời gian qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo Chỉ thị số 13/CT-TTg, danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, thuốc và vật tư y tế trong nước sản xuất được do các cơ quan có trách nhiệm ban hành phải nêu rõ tên mặt hàng, ký hiệu, quy cách, mô tả đặc tính kỹ thuật và phân loại theo đối tượng sử dụng hàng hóa đó. Nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, catalog của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó. Khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải căn cứ danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, thuốc và vật tư y tế trong nước sản xuất được trên trang thông tin điện tử của các bộ quản lý chuyên ngành để xây dựng cho phù hợp.

“Với việc cập nhật danh mục này, bên mời thầu có nhiều thuận lợi hơn trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu, tính điểm ưu đãi dễ dàng hơn đối với hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao. Từ đó, nâng cao khả năng trúng thầu cho các nhà thầu cung cấp nhiều hàng sản xuất trong nước”, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM đánh giá.

Chuyên đề