USD mạnh lên, khối ngoại sẽ tiếp tục rút vốn?

(BĐT) - Sự mạnh lên của USD và mức độ tăng lãi suất USD dự báo sẽ rất mạnh trong năm sau đã và sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược đầu tư toàn cầu của nhà đầu tư, và khả năng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi Việt Nam là hiện hữu.
Lo ngại FED tăng lãi suất USD là nguyên nhân bán ròng của khối ngoại. Ảnh: Minh Duy
Lo ngại FED tăng lãi suất USD là nguyên nhân bán ròng của khối ngoại. Ảnh: Minh Duy

FED tăng lãi suất tác động thế nào đến thị trường chứng khoán

Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, quyết định tăng lãi suất đồng USD của FED ngày 15/12 vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trên thực tế, những diễn biến trên TTCK Việt Nam trước và sau cuộc họp của FED không có quá nhiều biến động, cho thấy tâm lý nhà đầu tư không mấy lo ngại về việc FED tăng lãi suất. TTCK gần như không chịu tác động nào đáng kể sau quyết định của FED, thậm chí VnIndex còn có hai phiên bật tăng ngay sau thông tin trên.

Ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, khi rủi ro lớn nhất từ thị trường thế giới đã tạm thời qua đi, diễn biến TTCK Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2016 và quý I/2017 sẽ phụ thuộc vào các chỉ số vĩ mô như tăng trưởng GDP, lạm phát, tỷ giá… có đạt mục tiêu điều hành hay không? Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2016 của các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ là một yếu tố sẽ tác động lớn tới thị trường.

Theo ông Bình, trong ba năm trở lại đây, chỉ số VnIndex luôn tạo được sóng tăng trong các tháng đầu năm. Rất có thể quý I/2017 sẽ không phải là ngoại lệ nếu các yếu tố trong nước diễn biến tích cực đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư. 

Khối ngoại sẽ tiếp tục xu hướng bán ròng

Nhiều khả năng việc khối ngoại rút vốn cũng một phần xuất phát từ lo ngại FED tăng lãi suất
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, kể từ cuối quý III đến nay, chỉ số VnIndex chủ yếu diễn biến theo chiều hướng đi ngang và sụt giảm nhẹ dưới áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại.

Tại cuộc tọa đàm “Làm ăn gì trong năm 2017” vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tính từ đầu năm tới hết tuần đầu tháng 12/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6.450 tỷ đồng trên thị trường, mua ròng 2.440 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, nhiều khả năng việc khối ngoại rút vốn cũng một phần xuất phát từ lo ngại FED tăng lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý là áp lực bán này diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, do vậy cho đến trước thời điểm diễn ra cuộc họp của FED, thị trường gần như đã phản ánh hết những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng lãi suất đồng USD.

Về xu hướng trong năm tới, ông Nguyễn Xuân Bình dự báo chiều hướng khối ngoại tiếp tục bán ròng. Chuyên gia này phân tích, việc FED tăng lãi suất, USD mạnh lên gây ra làn sóng thu hút dòng tiền từ các thị trường mới nổi quay trở lại Mỹ. Khi đầu tư vào các thị trường khác, đồng bản tệ mất giá, nhà đầu tư sẽ bị thua thiệt, nên sẽ dẫn đến việc rút vốn khỏi các thị trường đang phát triển quay lại các thị trường phát triển, nhất là Mỹ. Làn sóng đó sẽ xuất hiện xung quanh thời điểm FED có khả năng tăng lãi suất. Như biên bản cuộc họp gần đây của FED, các quan chức của FED dự báo sẽ có thêm ba đợt tăng lãi suất trong năm 2017 với biên độ mỗi lần tăng là 0,25% (tăng so với con số dự báo 2 lần được đưa ra hồi tháng 9). Khi nào có tâm lý lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất, thông thường là thời điểm cuối các quý sẽ có hiện tượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Bình dự báo mức độ bán sẽ nhẹ dần. Quan sát lần tăng lãi suất của FED vào cuối năm 2015, gây ra 4 tháng bán ròng liên tiếp của khối ngoại, lần này chỉ là 2 - 3 tháng. Các đợt của năm 2017 dự báo sẽ rút ngắn hơn do tác động từ việc tăng lãi suất của FED đến tâm lý nhà đầu tư sẽ nhẹ dần.

“Ngoài ra, Việt Nam có tín hiệu hồi phục kinh tế vĩ mô tốt hơn, rõ hơn các thị trường trong khu vực, mức độ rút vốn của khối ngoại khỏi thị trường Việt Nam sẽ nhẹ hơn các thị trường trong khu vực”, ông Nguyễn Xuân Bình nhận định. 

Chuyên đề