Ước vọng hưng thịnh từ trí tuệ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từng bước qua “lằn ranh sinh - tử” và nhiều lần phải đối mặt với ngưỡng cản tăng trưởng trước khi FPT đạt mốc 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài. Đó không chỉ là con số “khủng” trong suy nghĩ của nhiều người, mà còn là cuộc đời của những nhà sáng lập FPT cùng các thế hệ kế cận với đủ cung bậc của khát vọng, niềm tin lẫn hoài nghi.
FPT Software hiện có 30 nghìn nhân sự tại 30 quốc gia, trong đó có 3 nghìn chuyên gia quốc tế thuộc hơn 70 quốc tịch
FPT Software hiện có 30 nghìn nhân sự tại 30 quốc gia, trong đó có 3 nghìn chuyên gia quốc tế thuộc hơn 70 quốc tịch

Song hơn hết, họ đã nắm tay nhau cùng vượt qua nhiều giai đoạn gian khó, tiếp tục nỗ lực xây dựng và thực hiện các chiến lược vươn xa với ước vọng góp phần đưa đất nước hưng thịnh từ trí tuệ Việt Nam.

Chia sẻ cảm nhận về con số 1 tỷ USD doanh thu vừa đạt được trong năm 2023, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software - công ty thành viên chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn FPT cho rằng: “Các con số dù lớn đến đâu cũng chỉ mang tính thời điểm. Thực tế, khoảnh khắc gợi nhiều cảm xúc và hồi hộp hơn cả là lúc đạt doanh số 1 triệu USD, khi FPT Software vừa vượt qua ngưỡng cản để tự tin bước tiếp. Trước đó, tôi là một trong những người đầu tiên của FPT đi Ấn Độ với khát vọng mang trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, nhưng không đạt kết quả như mong đợi và lặng lẽ quay về, đối mặt với những cuộc tranh luận trong “nhà FPT” về việc quay về Việt Nam và duy trì vị trí người dẫn đầu hay tiếp tục theo đuổi giấc mơ. Rất may, chúng tôi được ủng hộ để tiếp tục chứng minh bản thân. Mốc 1 triệu USD năm 2002 giúp chúng tôi tin là mình có thể tiến ra nước ngoài”.

Sau mốc 1 triệu USD đó, FPT Software tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, từ 10 triệu USD lên 100 triệu USD là rất khó khăn, có những năm căng thẳng như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, đội ngũ lãnh đạo FPT Software tưởng như không vượt qua ngưỡng doanh thu đó. Đáng nhớ nhất là lúc Nhật Bản phải hứng chịu trận sóng thần (2011), FPT Software cam kết ở lại và đồng hành cùng khách hàng Nhật.

“Sau đó, FPT Software dần vượt mốc 100 triệu USD và đến nay, mức 1 tỷ USD đã trong dự tính của chúng tôi từ trước đó. Giờ đây, mục tiêu hướng tới của chúng tôi không chỉ là những con số về doanh thu mà là xây dựng công ty đẳng cấp thế giới. Chúng tôi đã biến Việt Nam từ một quốc gia không ai biết đến trên “bản đồ của thế giới lập trình” thành đất nước xuất khẩu phần mềm lớn thứ 2 thế giới. Từ đội ngũ 17 người ban đầu, FPT Software đến giờ có 30 nghìn người tại 30 quốc gia, trong đó có 3 nghìn chuyên gia quốc tế thuộc hơn 70 quốc tịch. Từ những hợp đồng trị giá vài nghìn USD với việc làm nhỏ lẻ, giờ đây chúng tôi cung cấp hợp đồng trọn gói trị giá vài chục, thậm chí vài trăm triệu USD trở lên. Từ làm nhà thầu phụ giờ đã là tổng thầu của những dự án lớn. 80% doanh thu của FPT Software hiện nay đến từ các khách hàng triệu USD”, ông Tuấn chia sẻ.

FPT Software từ việc sản xuất chính tại Việt Nam giờ đã vận hành mô hình sản xuất toàn cầu, có những dự án triển khai cùng lúc trên 6 nước. Trong suốt hành trình thực hiện giấc mơ đem trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài, có nhiều khách hàng, đối tác đặt câu hỏi: “Đâu là động lực tăng trưởng, đâu là vũ khí đặc biệt của “nhà FPT”, điều gì khiến FPT thành công như vậy?”.

Ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc FPT Software

Ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc FPT Software

Câu trả lời được chính họ tìm thấy là sự khác biệt về khát vọng, tinh thần quyết chiến máu lửa và dấn thân vì các mục tiêu của doanh nghiệp của từng nhân viên. “Tôi tin rằng đây chính là vũ khí thành công mà khó có công ty nào khác học hỏi được. Tất nhiên, yếu tố tinh thần đó rất quan trọng, song để thực hiện thành công cần có chiến lược phát triển đúng hướng”, ông Tuấn cho biết.

Đó là chiến lược phát triển cân bằng. FPT Software trước đây phụ thuộc nhiều vào thị trường Nhật Bản, còn nay phát triển cân bằng trên 3 trụ cột gồm: Nhật, Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, giúp FPT Software tồn tại và vượt qua mọi cuộc khủng hoảng. Chiến lược thứ hai là “săn cá voi”, tức là tập trung vào khách hàng mang lại doanh thu 1 triệu USD trở lên thay vì “làm gì cũng được miễn ra tiền”. Điểm đáng chú ý thứ ba là sự đa dạng về nguồn lực với 3 nghìn chuyên gia quốc tế, sự kết hợp của khát vọng và sức trẻ cùng với sự am hiểu thị trường của các chuyên gia bản địa giúp FPT Software tiếp cận và chinh phục những hợp đồng hàng trăm triệu USD và đang hướng tới “săn” hợp đồng tỷ USD.

“Tựu trung lại, chặng đường đã qua không chỉ có hoa hồng mà chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những giai đoạn thật gian khó”, ông Tuấn nói. Chẳng hạn giai đoạn Covid-19, khi Công ty cần 300 người “ăn, ngủ” tại văn phòng để hỗ trợ hệ thống khách hàng thì có 1.300 người xung phong. Sự dấn thân của các bạn trẻ ở FPT Software đã tạo ra động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển sau khủng hoảng.

Giờ đây, khi nói về tương lai, nhiều người đặt câu hỏi với đội ngũ lãnh đạo của FPT Software: “Con số kỳ vọng là bao nhiêu? 5 tỷ USD hay 10 tỷ USD?”. Câu trả lời là mốc 5 tỷ USD vào năm 2030 song hơn hết, điều FPT muốn hướng đến là công ty đẳng cấp thế giới.

“Muốn đạt mục tiêu, chúng tôi phải có được khách hàng tỷ USD, thị trường tỷ USD, phải có chuyên ngành chuyên sâu có giá trị tỷ USD, lợi nhuận tỷ USD mà chúng tôi tạm gọi là những mục tiêu “Giga”. Trên hành trình trở thành công ty đẳng cấp thế giới, FPT Software đã sẵn sàng để đồng hành cùng khách hàng và đối tác của mình trong những “trận đánh lớn” quy mô hàng trăm triệu USD trên toàn cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, tiếp tục tổng hợp lực lượng chuyên gia toàn cầu giúp thúc đẩy FPT Software triển khai thành công các dự án lớn. Chúng tôi tiếp tục phát triển các công nghệ chất lượng cao và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phức tạp, có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, chăm sóc sức khỏe, tài chính ngân hàng, năng lượng… Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tích hợp AI vào trong tất cả các dịch vụ và giải pháp của mình để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng linh hoạt, chất lượng và rút ngắn thời gian đáp ứng cho khách hàng trên thế giới”, ông Tuấn chia sẻ.

Chuyên đề