Ứng xử có trách nhiệm với PCI

(BĐT) - Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 dự kiến được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào ngày 22/3/2018. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đến thời điểm này, cùng với Bảng xếp hạng PCI 2017, Báo cáo PCI 2017 - bản báo cáo đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp (DN) dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các địa phương. 

Phản ánh chất lượng “trải thảm đỏ” của các địa phương

Được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, theo các chuyên gia, PCI đã chỉ ra được những đòi hỏi của DN về cải thiện thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường.

Năm nay, PCI có sự tham gia khảo sát của hơn 10.000 DN dân doanh trong nước và gần 1.800 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với các DN FDI, mặc dù không được xét là ý kiến chính thức để tạo nên thứ hạng của các địa phương, song việc tham gia khảo sát đã cho thấy sự quan tâm của khối DN này với các địa phương có hạ tầng cơ sở và dịch vụ hành chính công tốt, ít rủi ro trong thực thi chính sách…

Đến thời điểm này, thứ hạng chính thức về PCI 2017 vẫn được giữ kín, nhưng theo dự đoán, Bảng xếp hạng sắp công bố sẽ không có sự xáo trộn quá lớn so với năm 2016. Nhiều địa phương như Lào Cai, Bình Dương hay Quảng Ninh đang kỳ vọng chỉ số PCI năm 2017 của mình sẽ tiếp tục đạt được thứ hạng cao sau những nỗ lực cải cách trong năm qua. Với những hành động cụ thể trong việc tạo thuận lợi về tiếp cận đất đai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, thông tin liên quan đến kinh tế địa phương, hay sự thân thiện, thiết thực trong các dịch vụ hỗ trợ DN..., các địa phương này kỳ vọng bản giới thiệu đặc biệt quan trọng của VCCI tới đây sẽ là câu trả lời khách quan về việc địa phương “trải thảm đỏ” mời gọi DN trong và ngoài nước đến đầu tư.

Trong Bảng xếp hạng PCI 2016 được công bố vào tháng 3/2017, 5 địa phương đứng đầu theo thứ tự là Đà Nẵng (70 điểm), Quảng Ninh (65,60 điểm), Đồng Tháp (64,96 điểm), Bình Dương (63,57 điểm) và Lào Cai (62,76 điểm). Trong top 5 địa phương dẫn đầu này, Quảng Ninh nổi lên như một hiện tượng khi vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 - vị trí cao nhất của địa phương này trong 12 năm điều tra PCI. Và chính kết quả tích cực này đã tạo đà để Quảng Ninh có những bứt phá trong thu hút đầu tư năm qua. 

Tạo sức nóng trong công tác điều hành

Không thể phủ nhận, PCI đang tạo nên sức nóng trong công tác điều hành của nhiều chính quyền địa phương. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hiếm có công cụ nào mà qua đó tiếng nói của cộng đồng DN tư nhân Việt Nam lại tác động mạnh mẽ đến quá trình cải cách của chính quyền địa phương như PCI. Bởi thường ngay sau khi PCI được công bố một vài tháng, nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết, quyết định cải thiện PCI. Thậm chí, có địa phương còn thành lập cả tổ công tác PCI.

Hiện tại, điểm chung trong nỗ lực cải thiện thứ hạng PCI chính là quyết tâm chính trị lớn của các địa phương. Phần lớn người đứng đầu các tổ công tác PCI là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh, thành phố. Việc lãnh đạo các địa phương nhận trách nhiệm là “tư lệnh” thực hiện cải thiện PCI đã tạo điều kiện để các mục tiêu được thực hiện đúng hạn định.

Theo các chuyên gia, PCI giúp lãnh đạo các địa phương có được sự phản ánh khách quan từ cộng đồng DN để nhận rõ được những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của địa phương mình, tạo sức ép và động lực cho bộ máy chính quyền các cấp tiến hành những cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh.

Những năm qua, để cải thiện thứ hạng PCI, nhiều địa phương đã gắn liền trách nhiệm cải thiện môi trường kinh doanh trên các lĩnh vực cho từng sở, ngành, để có kế hoạch, lộ trình triển khai, có cơ chế giám sát, đánh giá… Đặc biệt, nhiều địa phương đã tăng cường thông tin và tổ chức đối thoại với cộng đồng DN định kỳ, theo nhóm vấn đề, địa bàn hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Điển hình như Bình Dương, Đà Nẵng xây dựng mô hình “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính cho DN; Bắc Ninh, Bình Định cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng cho nhà đầu tư; hay Quảng Ninh, Bình Dương xây dựng trung tâm hành chính công tập trung; chính quyền Đồng Tháp, Tuyên Quang… triển khai mô hình cà phê doanh nhân để lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN.

Có thể nói, chính ứng xử có trách nhiệm của các địa phương với thứ hạng PCI của mình trong bảng xếp hạng năm trước đã góp phần nâng hạng PCI của địa phương đó trong bảng xếp hạng năm sau.

Chuyên đề