Ứng phó trước nỗi lo lạm phát tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2024 tăng không cao, song biến động của giá dầu, giá gạo và tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay gây quan ngại về đà tăng của CPI trong thời gian tới. Để kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm 2024, cần sự nỗ lực từ nhiều chủ thể, nhất là cơ quan điều hành chính sách và các doanh nghiệp…
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới ở mức cao, đồng USD tăng giá là những yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới ở mức cao, đồng USD tăng giá là những yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên

CPI quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cục Thống kê nhận định, các yếu tố chủ yếu làm tăng CPI quý I/2024 là giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng, chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 10,58% do nhu cầu sử dụng nước tăng, đồng thời một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng giá nước, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,38%, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 9,02%, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,51%, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,4%…

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, có một số thách thức với lạm phát trong thời gian tới. Đó là, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Mặt khác, thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên…

Trước thực tế trên, Tổng cục Thống kê xây dựng 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024, tương ứng với CPI bình quân lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhấn mạnh, các rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó. Một phần là do lạm phát giá gạo vẫn dao động ở mức hai con số, mặt khác lạm phát năng lượng có giảm nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ. HSBC kỳ vọng lạm phát bình quân tại Việt Nam 2024 sẽ neo quanh mức 3,9%.

Tốc độ tăng/giảm CPI quý I năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

Tốc độ tăng/giảm CPI quý I năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, xét các yếu tố trong và ngoài nước gây nên biến động giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 3 quý còn lại, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2024 như mục tiêu đặt ra là khả thi, song không nên chủ quan vì các áp lực lạm phát còn rất lớn. Đáng chú ý, chúng ta đang phải kiểm soát lạm phát dưới áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ, biến động tỷ giá và giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Đặc biệt, xu hướng gia tăng tỷ giá sẽ tạo áp lực lên lạm phát.

Về phía các doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng, với cộng đồng doanh nghiệp, dù sức ép lạm phát có thể chưa cao, song đà tăng giá cả nhiên liệu, biến động tỷ giá là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới. “Do đó, các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát biến động của thị trường, động thái điều hành chính sách của cơ quan chức năng để tính toán, chủ động cân đối nguồn lực, đảm bảo hiệu quả kinh doanh”, ông Thịnh nói.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát năm 2024 cao hơn năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo. Theo đó, ước tính sơ bộ, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 sẽ khiến CPI năm 2024 tăng thêm khoảng 0,03 điểm %. Về yếu tố cầu kéo, cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Theo ông Lực, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024, các cơ quan điều hành chính sách cần tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, diễn biến giá dầu thế giới để có kịch bản ứng phó phù hợp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các chỉ số giá cả trong quý I/2024 cho thấy lạm phát vẫn chưa ở mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, đã có một số yếu tố có thể gây khó cho nỗ lực kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của năm 2024. Đó là giá nhiên liệu và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng cao.

“Để kiểm soát lạm phát, cần có các giải pháp bảo đảm đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát biến động tỷ giá để góp phần ổn định giá cả hàng hóa nhập khẩu”, ông Việt nhấn mạnh.

Chuyên đề