Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Theo đó, việc đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc…
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự kiến lộ trình đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn từ năm 2017-2020; giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn sau 2025. Phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (dài 713 km) có quy mô rất lớn. Ngoài ra, mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau. Do vậy, phương án đầu tư kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần. Toàn bộ 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 đều đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước.
Dự án đã đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Hồ sơ Dự án bảo đảm danh mục tài liệu theo quy định của Luật Đầu tư công về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô và hướng tuyến của Dự án; phương án, hình thức đầu tư; nguồn vốn đầu tư, phương án huy động vốn; sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng tài nguyên, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đánh giá tác động môi trường của Dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Tại phiên họp, đa số các Ủy viên UBTVQH đồng tình với sự cần thiết triển khai Dự án. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ trình ra Quốc hội, các ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ 8 vấn đề đã được Ủy ban Kinh tế đề cập đến trong Báo cáo thẩm tra. Đặc biệt, cần tập trung vào các nội dung như: nguồn vốn và phương án huy động vốn; hình thức đầu tư, loại hợp đồng dự án; mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ; về làn xe; lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Về mức giá dịch vụ, có ý kiến cho rằng, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP) có thời hạn hợp đồng đến 24 năm nên giá sử dụng dịch vụ nếu quy định ngay tại thời điểm ký hợp đồng sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật.
Về quy mô đường cao tốc, xuất phát từ thực tế hiện nay ở nước ta, một số đoạn đường cao tốc 4 làn nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, có ý kiến đại biểu đề nghị nên nghiên cứu kỹ để phân làn đường cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định UBTVQH nhất trí về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh Hồ sơ và dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra chính thức, nếu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.