Tỷ lệ tiết kiệm tượng trưng trong đấu thầu ở Bạc Liêu

(BĐT) - Giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu trong năm 2017 của tỉnh Bạc Liêu đạt tỷ lệ thấp, tính chung chỉ đạt 2,25%, cá biệt có những gói thầu chỉ tiết kiệm được 0,01%. Đằng sau con số này cho thấy, còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu ở tỉnh Bạc Liêu.
Trong năm 2017, toàn tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện 1.104 gói thầu thuộc các dự án đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ tiết kiệm 2,25%. Ảnh: Hoài Tâm
Trong năm 2017, toàn tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện 1.104 gói thầu thuộc các dự án đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ tiết kiệm 2,25%. Ảnh: Hoài Tâm

Tiết kiệm còn nhỏ giọt

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bạc Liêu, đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư, trong năm 2017 trên toàn Tỉnh đã tổ chức thực hiện 1.104 gói thầu, với tổng giá trị các gói thầu là 1.281.132,62 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu là 1.252.325,81 triệu đồng, đạt giá trị tiết kiệm 28.806,81 triệu đồng, tức chỉ bằng 2,25% tổng giá trị gói thầu.

Cụ thể, đấu thầu rộng rãi 161 gói thầu, với tổng giá trị 1.006.145,76 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu 981.348,39 triệu đồng, giá trị tiết kiệm 24.797,38 triệu đồng. Trong đó, đấu thầu không qua mạng 160 gói thầu, với tổng giá trị 1.004.368,49 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu 979.571,35 triệu đồng, giá trị tiết kiệm 24.797,15 triệu đồng, bằng 2,46%. Riêng đấu thầu qua mạng chỉ có 1 gói, với tổng giá trị 1.777,17 triệu đồng, tổng giá trị trúng thầu 1.777,04 triệu đồng, giá trị tiết kiệm chỉ 0,23 triệu đồng, bằng 0,01% giá gói thầu.

Đáng lưu ý, với hình thức đấu thầu hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm đạt được rất thấp. Trong 16 gói thầu thực hiện trong năm 2017 với tổng giá trị 8.958,93 triệu đồng, thì tổng giá trị trúng thầu là 8.919,60 triệu đồng, chỉ tiết kiệm được 39,33 triệu đồng, vỏn vẹn bằng 0,43% giá gói thầu. Tổng số gói thầu chỉ định thầu trong năm qua là 793 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 222.897,70 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 221.098,13 triệu đồng, giá trị tiết kiệm 1.799,57 triệu đồng, bằng 0,80% giá gói thầu.

Đối với các gói thầu mua sắm sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên, trong năm 2017 đã tổ chức thực hiện 4 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 1.816 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 1.723 triệu đồng, với giá trị tiết kiệm 93 triệu đồng, bằng 5,12% tổng giá gói thầu.

Điểm sáng duy nhất có lẽ thuộc về hình thức chào hàng cạnh tranh, với 15 gói thầu có tổng giá gói thầu là 33.628,36 triệu đồng, trong đó tổng giá trúng thầu là 31.461,23 triệu đồng, tiết kiệm 2.167,14 triệu đồng, bằng 6,44% tổng giá gói thầu.

Công tác đấu thầu chưa chặt chẽ

Theo ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2017, tuy chưa có nhà thầu kiến nghị trong đấu thầu, nhưng qua kiểm tra công tác đấu thầu cho thấy, một số chủ đầu tư lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định về nội dung, hình thức theo các biểu mẫu hướng dẫn của Bộ KH&ĐT; việc phân chia gói thầu còn mang tính chủ quan, chưa dựa vào đặc tính kỹ thuật của gói thầu để phân chia cho hợp lý. Nhất là các gói thầu đề nghị áp dụng hình thức chỉ định thầu nêu lý do chỉ định thầu chưa mang tính thuyết phục cao hoặc không có lý do để áp dụng nên phải điều chỉnh hoặc giải trình bổ sung trong quá trình thẩm định.

Đáng lưu ý hơn, nhiều chủ đầu tư hoặc tư vấn lập hồ sơ mời thầu còn một số nội dung chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế và quy định hiện hành về đấu thầu, do đó phải tốn nhiều thời gian chỉnh sửa, bổ sung làm rõ cho các nhà thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đồng thời, năng lực chuyên môn của một số chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.

Trước những hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu kiến nghị, cho phép các cán bộ tham gia công tác lựa chọn nhà thầu trực thuộc Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp được phép kéo dài thời gian thực hiện quy định tại Khoản 7 Điều 53 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT ngày 5/5/2016 của Bộ KH&ĐT đến hết năm 2019 để cán bộ của các ban quản lý dự án chuyên nghiệp có điều kiện chuẩn hóa về năng lực chuyên môn theo quy định.

Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, ngân sách tỉnh còn khó khăn, hiện tại Tỉnh đang thiếu vốn để triển khai các công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, chống hạn và xâm nhập mặn nên rất cần vốn để thực hiện. Do đó, ngoài việc kiến nghị Trung ương hỗ trợ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, thông qua nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn đối ứng các dự án ODA, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu…, thì tỉnh Bạc Liêu cũng cần phải nâng cao tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu và nâng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua đấu thầu.

Chuyên đề