Tỷ giá dự báo tăng tối đa không quá 3% trong năm nay

Mặc dù thị trường ngoại hối vẫn đang ổn định, nhưng không nên chủ quan bởi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tới gần (dự kiến diễn ra ngày 26-27/7), với trọng tâm là quyết định nâng lãi suất đồng USD.
Trong quý III/2016, đồng Việt Nam có khả năng mất giá nhẹ
Trong quý III/2016, đồng Việt Nam có khả năng mất giá nhẹ

Thực tế, thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm khá ổn định với việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm theo ngày, cùng với đó là những biện pháp can thiệp thị trường từ cuối năm 2015 đã phát huy hiệu quả, trong điều kiện gia tăng tốc độ giải ngân vốn FDI và kết quả khả quan của hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, tỷ giá đã giảm từ mức 22.500 đồng/USD cuối năm 2015, về quanh mức 22.360 đồng/USD, sau khi tăng nhẹ lên mức 22.480 đồng/USD từ nửa đầu tháng 6/2016, trong bối cảnh Fed chưa nâng lãi suất trong tháng 6 do kinh tế Mỹ chưa ổn định như kỳ vọng và lo ngại tác động tiêu cực của sự kiện Brexit, cũng như tác động của các biện pháp chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Báo cáo Tổng cục Hải Quan cho biết, cán cân thương mại tháng 6 chỉ thâm hụt nhẹ, khoảng 17 triệu USD. Nguồn tiền vẫn dồi dào khi dòng FDI và FII đang có xu hướng tăng, cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm sau 6 tháng đầu năm là 11,28 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó lượng vốn FDI giải ngân đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Xu hướng nới room cho khối ngoại nhiều khả năng sẽ thu hút thêm nguồn USD vào Việt Nam, đồng thời, nguồn tiền từ những thương vụ M&A, IPO cũng hứa hẹn dồi dào.

“Tỷ giá giảm trong nửa đầu năm và nguồn cung ngoại tệ dồi dào, nhờ vậy, NHNN mua vào được lượng ngoại tệ lớn, củng cố dự trữ ngoại hối và nâng cao khả năng điều tiết thị trường khi cần. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, lượng ngoại tệ mua ròng từ đầu năm tới nay đạt khoảng 8 tỷ USD, mức cao nhất trong 6 tháng của 5 năm gần đây”, phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho biết.

Tuy nhiên, không phải mọi phân tích đều lạc quan. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, các yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong 6 tháng cuối năm sẽ không được thuận lợi như trong nửa đầu năm do: thứ nhất, theo yếu tố mùa vụ, cân đối cung cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu tăng; thứ hai, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần vào cuối năm, khi lãi suất được điều chỉnh, đồng USD sẽ tăng giá trên thị trường quốc tế, gây ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD; thứ ba, đồng nhân dân tệ có nguy cơ tiếp tục mất giá trong 6 tháng cuối năm, một mặt do các yếu tố nội tại của Trung Quốc thiếu tích cực, mặt khác do ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất của Mỹ và tỷ giá các đồng tiền trong rổ tiền tệ của quốc gia này.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng phân tích, tác động của các yếu tố quốc tế có sự thay đổi đáng kể. Sự kiện Brexit đã làm gia tăng các yếu tố bất định đối với thị trường tài chính toàn cầu, đồng nghĩa với rủi ro trong thời gian tới tăng lên khi nhiều yếu tố không thể biết trước, bao gồm cả luật lệ, quy tắc thương mại, dịch chuyển lao động… được xây dựng và xác lập lại.

Sự kiện này đã làm thay đổi đáng kể các nhận định và xu hướng thị trường tài chính, khi các bên liên quan và bên thứ ba đều phải thận trọng hơn trước sự bất định phía trước. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới buộc phải có những điều chỉnh, có tính khác biệt với kế hoạch trước đó…

“Hậu Brexit, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất gần 6 năm qua, còn các nước láng giềng của Việt Nam với cơ chế tỷ giá thả nổi hơn cũng đã giảm giá đồng nội tệ của mình. Chính sách tài khóa của nhiều quốc gia, bao gồm Anh, cũng phải có sự điều chỉnh nhất định. Tất cả các yếu tố này sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong thời gian tới với dự báo trong quý III/2016, VND có khả năng chỉ mất giá nhẹ và dự báo tỷ giá USD/VND tăng tối đa không quá 3% trong năm nay”, vị giám đốc trên nói.

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, mức dự trữ ngoại hối vẫn khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ. Vào cuối năm 2015, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỷ USD, tương đương 2 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Dựa trên dữ liệu thương mại và danh mục đầu tư hiện có cùng với báo cáo truyền thông tại chỗ, HSBC tin rằng, nguồn dự trữ có thể đã hồi phục về mức 33,6 tỷ USD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quý I/2016. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro đồng nhân dân tệ biến động, ảnh hưởng đến tiền Việt Nam.            

Chuyên đề