Tuyên ngôn độc lập bản hùng ca bất tử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hơn 50 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước, vang lên bản hùng ca bất tử - Tuyên ngôn độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bằng giọng đọc trầm ấm, trang trọng lay động lòng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cảm hứng đến toàn dân tộc, thức tỉnh và khẳng định mạnh mẽ niềm tin, niềm kiêu hãnh của người dân Việt Nam vào tương lai.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dân tộc Việt Nam cũng quyết đem tất cả sức mạnh tinh thần, tiềm lực, sinh mạng và vật chất để giữ vững quyền độc lập, tự do
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dân tộc Việt Nam cũng quyết đem tất cả sức mạnh tinh thần, tiềm lực, sinh mạng và vật chất để giữ vững quyền độc lập, tự do

Trải qua 75 năm, trên mỗi chặng đường hào hùng của dân tộc, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bản Tuyên ngôn độc lập luôn chứa đựng một sức sống mạnh mẽ, ngời sáng và lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần nhân văn, trở thành động lực chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc và quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Không chỉ vậy, bản Tuyên ngôn độc lập còn là áng văn lập quốc bất hủ, là tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt Nam, là lời tuyên bố cáo chung chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đây cũng là tiếng chuông rung lên báo hiệu cho một thế giới mới, thế giới của phong trào giải phóng dân tộc.

Những giá trị cốt lõi về triết học, tư tưởng và thời đại của Tuyên ngôn độc lập có sức sống trường tồn. Không phải ngẫu nhiên bản Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” (Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Pháp)… Bằng sự mở đầu này, Hồ Chí Minh đã dựa vào nguyên lý về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân loại. Những quyền căn bản ấy là chân lý không ai có thể phủ định.

Để hiểu về tinh thần này, cần biết hai bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ và của Pháp ra đời vào một thời kỳ mà trí tuệ nhân loại phát triển rực rỡ. Đây là thời kỳ xuất hiện nhiều tư tưởng mới lạ mà phương Tây gọi là Thế kỷ ánh sáng hay Thời đại lý tính. Thời kỳ khai sáng được liên hệ chặt chẽ, nhấn mạnh vào lý tính và khoa học, hay sự hợp lý có hệ thống về các quy luật thiên nhiên và thần thánh, lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng tri thức, khởi đầu bởi Galileo và Newton. Những nhà khai sáng tin rằng, họ có thể dẫn dắt nhân loại sang một thời kỳ mới, từ bỏ Thời kỳ đen tối (sự phi lý, mê tín, độc tài…). Chính thời kỳ khai sáng đã tạo ra cơ sở tri thức cho cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, phong trào độc lập ở Mỹ La tinh…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có nhiều năm sống ở nước ngoài. Người đi nhiều, học nhiều, biết nhiều. Vấn đề quan tâm bậc nhất của Người là làm thế nào để chống lại chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, Người tiếp xúc, học hỏi và am hiểu văn hóa phương Tây. Tinh thần của chủ nghĩa khai sáng thấm đẫm trong tư tưởng, suy nghĩ của Người. Người đánh giá cao tính nhân văn của cách mạng Mỹ, nhận thấy từ bản chất, cuộc cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Việt Nam có sự đồng điệu. Ánh sáng của cuộc cách mạng vì độc lập, tự do của Hoa Kỳ thế kỷ 18 đã cảm hóa trái tim yêu nước của Người. Cùng với đó là những “lẽ phải không ai chối cãi được” trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Từ đây, Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo ra áng văn hùng tráng, vừa trí tuệ vừa nhân văn, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, lời lẽ quyết đoán và đầy sức thuyết phục.

Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, điểm hội tụ tư tưởng thời đại, tư tưởng nhân văn cách mạng tư sản cận đại Âu - Mỹ, tư tưởng nhân văn truyền thống văn hóa dân tộc, vang lên lời truyền vọng hào hùng của ông cha với “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ” và “Bình Ngô đại cáo”…

Điều đặc biệt trong Tuyên ngôn độc lập là sự sáng tạo mở rộng khái niệm dân tộc từ quyền độc lập, tự do của một dân tộc sang quyền lựa chọn con đường độc lập, tự do của mỗi dân tộc: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thoát ly hẳn quan hệ với Pháp...”. Khác với độc lập theo con đường dân chủ tư sản, ở đây độc lập gắn liền với lợi ích của nhân dân lao động.

Sau khi trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Pháp, Hồ Chí Minh diễn giải thêm: “Suy rộng ra… tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, không chỉ “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi...”, mà mở rộng từ quyền của con người sang quyền dân tộc. Tức quyền lợi của cá nhân là cơ sở của quyền dân tộc, là mối quan hệ không thể tách rời. Trong thực tế, con người là trung tâm, có con người mới có dân tộc. Quyền dân tộc bảo đảm cho quyền con người. Quyền con người không thể ở ngoài dân tộc. Không ít dân tộc giành được độc lập mới có quyền con người, ngược lại thì không. Đây là đóng góp to lớn, xuất sắc của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập, góp phần nâng cấp căn cứ pháp lý về quyền con người lên thành giá trị mang tính thời đại.

Tuyên ngôn độc lập còn là áng văn đanh thép, khẳng định dứt khoát thái độ kiên quyết đấu tranh giành cho được tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam, bất kể kẻ thù là ai, trong hoàn cảnh nào, dù phải hy sinh đến đâu. Với tư cách là một diễn ngôn mang tầm vóc thời đại, Tuyên ngôn độc lập khảng khái tuyên cáo ngày tận thế của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, mở đầu cho một chế độ mới, chế độ của dân, do dân, đúng với khát vọng của toàn thể người dân Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập là tinh thần, ý chí kiên trung, bất khuất không gì lay chuyển bằng triết lý nhân sinh muôn thuở của dân tộc Việt Nam: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Ở đó chứa đựng trí tuệ mẫn tiệp thiên tài của Bác Hồ, là ngọn đuốc soi sáng chặng đường cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến nay… Những tư tưởng trong Tuyên ngôn độc lập trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần đó, dân tộc ta vượt qua mọi gian nan, thách thức, giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển, hội nhập toàn cầu…

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Mức tăng trưởng kinh tế từ 6 - 7%/năm. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế phát triển đều đặn. Bộ mặt nông thôn thay đổi, văn hóa xã hội đạt nhiều thành tựu, công bằng xã hội có tiến bộ. Mức sống chung của người dân được nâng lên.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp khôn lường. Cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dân tộc ta cũng quyết đem tất cả sức mạnh tinh thần và tiềm lực, sinh mạng và vật chất giữ vững quyền độc lập, tự do; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mở rộng hợp tác hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Đó chính là tinh thần bất tử của Tuyên ngôn độc lập, cũng là ước mơ, khát vọng của mọi người dân Việt Nam hôm nay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư