Tương lai không giới hạn ngành công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khẳng định FPT sẽ song hành cùng Đà Nẵng xây dựng “thủ phủ” vi mạch bán dẫn thế giới trong cuộc Hội thảo ngày 10/10/2023 (*), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, mục tiêu lớn đòi hỏi một khát vọng mãnh liệt, nhưng chúng ta sẽ làm được khi lựa chọn phát triển nguồn nhân lực cùng cách tư duy “đứng trên vai người khổng lồ”, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, yếu tố tiên quyết là phải phát triển nguồn nhân lực, đồng thời với việc mở rộng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, yếu tố tiên quyết là phải phát triển nguồn nhân lực, đồng thời với việc mở rộng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu

Cơ hội mới cho Việt Nam

Theo Chủ tịch FPT, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng cần nuôi dưỡng khát vọng lớn và chọn đúng cách làm. Từ kinh nghiệm của FPT, ông Bình chia sẻ, yếu tố tiên quyết là phải phát triển nguồn nhân lực, đồng thời thu hút các doanh nghiệp ngành điện tử, bán dẫn tập trung đầu tư vào địa phương. Chủ tịch FPT thúc đẩy Đà Nẵng kêu gọi những tập đoàn lớn đến đầu tư.

Trên bình diện quốc gia, ngành công nghiệp bán dẫn kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tạo đột phá về tăng trưởng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam có năng lực và cơ hội lớn phát triển công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống chính trị ổn định, Chính phủ chú trọng đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành, Việt Nam còn có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào. Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn là Viettel, VNPT, FPT, CMC.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến khích các tập đoàn đã hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động. Các tập đoàn chưa đến Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Những năm gần đây, Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Intel - 1 trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới - hơn 10 năm trước đã phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và lên kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn vào cuối năm 2023. Mới nhất, ngày 11/10/2023, Amkor Technology Việt Nam khánh thành Nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh. Dự án trên có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, trong đó, giai đoạn đầu giải ngân 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…

FPT là công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, niêm yết trên TTCK từ năm 2006. Với tổng vốn hóa thị trường 5,2 tỷ USD, FPT đứng trong TOP 10 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam và là công ty công nghệ duy nhất trong bộ chỉ số VN 30, hiện hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới.

Chip vi mạch bán dẫn tích hợp đóng vai trò tiên quyết trong các thiết bị, quyết định hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của tất cả các hệ thống điện tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tăng tốc chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành “xương sống” cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu năm 2021 đạt 551 tỷ USD và dự báo sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2031. Với Việt Nam, ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip; xung đột Mỹ - Trung đã làm thay đổi bản chất ngành, đó là cơ hội mới cho Việt Nam trong ngành sản xuất chip. Cũng theo ông Jimmy, Việt Nam có lợi thế về nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia trong phát triển ngành công nghiệp đặc biệt này.

FPT - chuẩn bị cho tương lai không giới hạn

Bên cạnh những tên tuổi lớn trên thế giới đầu tư vào công nghiệp bán dẫn, một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng đang có những nỗ lực đặc biệt, góp sức phát triển ngành này. Tháng 9/2022, thông qua Công ty con FPT Semiconductor, FPT ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực thiết bị y tế và một số loại thiết bị điện tử khác. Cung ứng sản phẩm đến thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, FPT Semiconductor còn định hướng tập trung triển khai cung cấp chip "Make in Vietnam" đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025. Điều đáng nói là, toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển chip vi mạch được thực hiện tại Việt Nam, bởi những kỹ sư hàng đầu của FPT.

Trao đổi với Hãng tin Reuters cuối tháng 9/2023, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thông tin, FPT đã nhận đơn hàng gần 70 triệu chip tới năm 2025, đồng thời hướng tới việc mở rộng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đào tạo kỹ thuật. Theo ông Trương Gia Bình, Đạo luật CHIPS và Khoa học mà Mỹ thông qua năm ngoái đã mở ra hàng loạt cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn. “Đạo luật mới của Mỹ là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, nhờ tạo ra điều kiện cho các công ty nước ngoài mở rộng (trừ Trung Quốc) và việc Mỹ cam kết thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam đã xác nhận chuyện này”, ông Bình nhận định.

FPT gia nhập thị trường Mỹ vào năm 2008 và trở thành đối tác tin cậy của hơn 300 khách hàng, có nhiều công ty trong danh sách Fortune 500. Mỹ là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất của FPT, đóng góp lợi nhuận cao nhất với tốc độ tăng trưởng 50% năm 2022. Mỗi năm, FPT dự kiến đầu tư 100 triệu USD và đào tạo gần 1.000 nhân lực tại đây. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.

Chia sẻ với các cổ đông, nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch Trương Gia Bình giới thiệu Chiến lược FPT 2023 - 2025 được mang tên DC5-135, với niềm tin DC5-135 sẽ mở ra một tương lai không giới hạn. DC5 là viết tắt của Digital Conglomerate 5.0 là tổ hợp số nhằm kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và mang lại giá trị cho các cổ đông. Trong đó, con người cảm thấy hạnh phúc khi được thấu hiểu và được chăm sóc chu đáo. Thành công của mỗi tổ chức gắn liền với thành công của chuyển đổi số.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp, hơn 5.000 kỹ sư thiết kế. Nếu làm tốt việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn toàn cầu.

(*) Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với TP. Đà Nẵng”

Chuyên đề