Tuần quan trọng của các ngân hàng trung ương toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ họp trong tuần này để thiết lập chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang giảm bớt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh Internet
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh Internet

Theo Bloomberg, mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều dự kiến ​​​​sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhưng trọng tâm lớn hơn sẽ là tín hiệu từ các nhà hoạch định chính sách về việc liệu có khả năng lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa hay không.

Trước đó, cả Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều cảnh báo rằng, lạm phát vẫn ở mức quá cao, buộc họ phải tăng chi phí đi vay hơn nữa. Nhưng với việc các ngân hàng trung ương sẽ không họp lại cho đến tháng 9, giới kinh tế cho rằng, triển vọng chính sách vào cuối năm nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất vào ngày 26/7 tới, lên mức cao nhất trong 22 năm, trong khi vẫn duy trì xu hướng thắt chặt, báo hiệu khả năng có thêm một động thái tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Theo Bloomberg, đợt tăng lãi suất vào tháng 7 sau một đợt tạm dừng vào tháng 6 nhằm mục đích làm chậm tốc độ tăng cho đến khi đạt đến mức "đủ" để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ông Powell và các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất nếu cần thiết để tránh tái diễn tình trạng giá cả leo thang.

James Knightley, nhà kinh tế trưởng tại ING Financial Markets LLC nhận xét: "Lạm phát đang chậm lại, nhưng không đủ nhanh đối với Fed".

Trong khi đó, giới đầu tư đang đặt cược vào việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 26/7, và đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của ngân hàng trung ương này trong chu kỳ thắt chặt.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh Internet

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh Internet

Với việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này gần như là chắc chắn, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cách bà Lagarde mô tả các kế hoạch chính sách của ECB sau tháng 7. Trong khi đó, giới chức ECB đã nhấn mạnh về các quyết định lãi suất sẽ dựa trên dữ liệu kinh tế trong thời gian tới.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã hạ nhiệt kể từ khi đạt mức cao nhất 10,6% vào tháng 12/2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB. Ngân hàng trung ương này cho biết, lạm phát "được dự đoán sẽ duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài" và họ vẫn còn "nhiều việc để xử lý".

Sau 8 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 7/2022 với tổng cộng 400 điểm cơ bản, các nhà đầu tư và nhà phân tích hiện đang tranh luận sôi nổi về việc ECB cần thêm bao nhiêu lần tăng nữa và lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao trong bao lâu để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn là ngoại lệ, với hơn 80% các nhà phân tích được Bloomberg thăm dò dự báo, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda sẽ tiếp tục bơm hỗ trợ vào nền kinh tế thứ 3 thế giới ngay cả khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%.

Các quyết định về tỷ lệ lãi suất cũng được "lên lịch" ở Indonesia, Hungary, Ukraine, Uzbekistan, Chile, Nigeria, Ghana, Malawi và Lesotho trong tuần này. Ngoài ra, động thái của Fed thường tác động đến các ngân hàng trung ương trên khắp Trung Đông.

Chuyên đề