Tư vấn đấu thầu yếu kém “báo hại” nhiều chủ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những tồn tại, hạn chế mà báo cáo công tác đấu thầu năm 2022 của các địa phương đề cập chính là chất lượng của đội ngũ tư vấn đấu thầu. Thực tế phản ánh của Báo Đấu thầu thời gian qua cho thấy, các gói thầu có bất cập thường được giao cho các đơn vị tư vấn non kém.
Trong một số trường hợp, chỉ vì một vài chi tiết trong hồ sơ mời thầu do tư vấn đấu thầu lập không chuẩn xác, có thể dẫn đến phải xử lý tình huống, gây chậm trễ, nhà thầu kiến nghị phức tạp. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Trong một số trường hợp, chỉ vì một vài chi tiết trong hồ sơ mời thầu do tư vấn đấu thầu lập không chuẩn xác, có thể dẫn đến phải xử lý tình huống, gây chậm trễ, nhà thầu kiến nghị phức tạp. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bạc Liêu, việc lập hồ sơ mời thầu (HSMT) của các đơn vị tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp còn một số nội dung chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế và quy định hiện hành về đấu thầu. Do đó phải tốn nhiều thời gian chỉnh sửa, bổ sung làm rõ cho các nhà thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đồng thời, tổ chuyên gia do chủ đầu tư thành lập tuy có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định nhưng việc đánh giá còn mang tính chủ quan, chưa bám sát tiêu chuẩn đánh giá của HSMT.

Trong khi đó, Sở KH&ĐT Bến Tre chỉ ra, nhân sự làm công tác đấu thầu thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC); công tác thẩm định HSMT/HSYC chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao, dẫn đến các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa phù hợp với quy định, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT). Trong một số trường hợp, chỉ vì một vài chi tiết trong HSMT do tư vấn lập không chuẩn xác, có thể dẫn đến tình huống phức tạp trong quá trình đánh giá HSDT, phải xử lý tình huống, gây chậm trễ, nhà thầu đề nghị làm rõ, kiến nghị phức tạp và kéo dài.

Tại TP. Cần Thơ, có tình trạng đấu thầu qua mạng nhưng đơn vị tư vấn chưa chủ động xử lý kịp thời tình huống phát sinh, làm ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình lựa chọn nhà thầu.

Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông chia sẻ, năng lực của một số đơn vị tư vấn trên địa bàn còn rất hạn chế, cộng thêm các chủ đầu tư không có kiến thức chuyên ngành nên một số dự án thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu còn sai sót, thậm chí có những lỗi sai rất cơ bản. Tỉnh này cho biết, qua kiểm tra đã chỉ ra những sai sót cho thấy đội ngũ tư vấn cần phải cải thiện, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, nhiều chủ đầu tư chỉ định thầu cho các đơn vị tư vấn mới thành lập, nên năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế. Một số hồ sơ thiết kế tư vấn phải chỉnh sửa nhiều lần, dẫn đến tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm so với kế hoạch. Tình trạng này cũng phổ biến ở các địa phương khác như Ninh Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh… khi đội ngũ tư vấn chưa bám sát yêu cầu cũng như tiêu chuẩn đánh giá nêu trong HSMT/HSYC, từ đó đưa ra các kết luận thiếu căn cứ xác đáng.

Bên cạnh đó, tình trạng đấu thầu hình thức, hạn chế cạnh tranh và hiệu quả đấu thầu thấp vẫn còn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để có căn nguyên từ phía đơn vị tư vấn như lập HSMT/HSYC với các điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu (các nội dung này thường được cài vào yêu cầu về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc chứng nhận quan hệ đối tác đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn yêu cầu của gói thầu, tiêu chuẩn đánh giá nêu chung chung, không cụ thể)…

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc lập tổ chuyên gia đấu thầu phải đảm bảo đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Cụ thể, hợp đồng giữa chủ đầu tư, bên mời thầu và đơn vị tư vấn đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư, bên mời thầu phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu, dẫn tới sai sót từ phía tư vấn hoặc tư vấn có các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi liên quan đến dàn xếp, cố tình gây ra các sai sót trong lập, thẩm định HSMT, đánh giá HSDT.

Nhằm siết chặt kỷ cương, UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra, kịp thời xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu. Đồng thời, tăng mức xử phạt, tước chứng chỉ hành nghề, cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các đơn vị tư vấn tùy vào mức độ vi phạm.

Tỉnh Bến Tre nhận định, kết quả lựa chọn nhà thầu phụ thuộc nhiều vào nhân sự tham gia hoạt động đấu thầu. Do đó, cần đặc biệt chấn chỉnh công tác lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu đủ năng lực, khách quan nhằm nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu.

Chuyên đề