Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường, xây dựng đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân lao động hăng say, thi đua ái quốc, lời dạy của Người vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lời dạy ấy hàm chứa và thôi thúc lòng tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng vươn lên, đưa đất nước tiến đến thịnh vượng, hùng cường.
Ý chí tự lực, tự cường giúp dân tộc Việt Nam làm nên những chiến tích vang dội, “đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do”, được cả thế giới nể phục
Ý chí tự lực, tự cường giúp dân tộc Việt Nam làm nên những chiến tích vang dội, “đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do”, được cả thế giới nể phục

Tự lập để giành và bảo vệ độc lập dân tộc

Sau 15 năm “nếm mật nằm gai”, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng giành chính quyền về tay Nhân dân. Tuy nhiên, đất nước mới giành được độc lập, chính quyền cách mạng mới ra đời, Nhân dân mới thoát khỏi màn đêm nô lệ chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Đứng trước tình thế “vận nước lâm nguy”, để động viên Nhân dân đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, ngày 10/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi trong dịp 1.000 ngày kháng chiến”. Người nhấn mạnh: “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Đây không chỉ là sự kế thừa bài học về phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong truyền thống lịch sử của dân tộc mà còn là “lời hịch” thôi thúc Nhân dân ta đứng lên làm nên những thắng lợi vĩ đại trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

PGS. TS. Phạm Minh Anh

PGS. TS. Phạm Minh Anh

Một dân tộc có tinh thần, ý chí tự lập sẽ giành được nền độc lập và giữ vững được nền độc lập ấy bền lâu. Theo Hồ Chí Minh, tự lập là điều kiện tiên quyết để quốc gia giành độc lập cho dân tộc. Điều đó, được Người đúc rút ra từ thực tiễn lịch sử dân tộc ta và thế giới: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Đồng thời, để giúp cho Nhân dân hiểu rõ thế nào là độc lập, Người luận giải: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”.

Tự cường là cơ sở để tiến đến tự do

Tự cường trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh là “ý chí tự cường dân tộc”, là biểu hiện sinh động nhất của tinh thần yêu nước. Bởi ý chí tự cường nên Nhân dân ta không cam chịu kiếp nô lệ; đồng thời là nguồn động lực, sức mạnh tinh thần lớn lao, góp phần cổ vũ, động viên Nhân dân ta đứng lên “nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Theo Hồ Chí Minh, chỉ trên cơ sở nêu cao ý chí tự cường của Nhân dân thì đất nước mới được tự do. Do đó, Người yêu cầu: “Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Ngoài ra, “tự cường” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh còn có nghĩa không cam chịu đói nghèo và lạc hậu. Trên cơ sở đó, quyết tâm “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tự lập, tự cường thể hiện tinh thần “độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh”, ứng phó trong mọi bối cảnh

Với nhãn quan chính trị thiên tài, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy nguyên nhân dẫn đến những thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do sai lầm về mặt đường lối, “làm cho dân quen tính ỷ lại, mà quên tính tự cường”. Chính vì thế, theo Người: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”. Tiếp thu lời dạy của Người “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Nhân dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945; tư tưởng “Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh” đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sâu sắc hơn, theo Người, tinh thần tự lập, tự cường còn phải được thể hiện trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới. Người nhấn mạnh: “Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà”. Từ đó, Người căn dặn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình”.

Tinh thần tự lập, tự cường phải gắn với đoàn kết quốc tế

Theo Hồ Chí Minh, tinh thần tự lập, tự cường không phải là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa Sôvanh, vị kỷ, bá quyền nước lớn. Đồng thời, tinh thần tự lập, tự cường trong tư tưởng Hồ Chí Minh trái ngược với tư tưởng “đóng kín cửa”, “tự khép mình”, “bế quan tỏa cảng”. Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” nhằm tạo thế và lực cho cách mạng. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, trước hết phải phát huy tinh thần tự lập, tự cường của dân tộc, “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại sức mạnh từ bên ngoài. “Các nước bạn ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc ra sức giúp đỡ ta một cách vô tư, khẳng khái, để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”.

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước nhà đã chứng minh, nhờ quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự lực, tự cường, dân tộc ta đã vượt qua những thời điểm khắc nghiệt nhất của lịch sử, làm nên những chiến tích vang dội, “đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do”, được cả thế giới nể phục. Nước ta trở thành hình mẫu lý tưởng của các quốc gia đã và đang đấu tranh cho giành và giữ nền độc lập, sự tự do, bởi tinh thần không chịu khuất phục, không gục ngã trước bất kỳ gian nan, thử thách nào.

Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người con đất Việt cần tiếp tục thấu triệt, lan tỏa những giá trị to lớn, sâu sắc trong từng lời dạy của Người, gắn với công cuộc xây dựng đất nước. Kiên quyết đẩy mạnh công cuộc “phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, thực hiện “cần kiệm” để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đẩy mạnh kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để nâng cao thế và lực cho đất nước. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần “tự lập, tự cường” của mọi người dân trong xây dựng đất nước, hướng đến các giá trị cao đẹp của một quốc gia “hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc”.

Chuyên đề