Tư duy, quan điểm đổi mới và tầm nhìn chiến lược sẽ đưa Quảng Ngãi bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quảng Ngãi là địa phương thứ hai trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đánh giá của cơ quan thẩm định, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thể hiện tư duy đổi mới, quan điểm và tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển đất nước, của vùng và địa phương. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Báo Đấu thầu nhân dấu mốc công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước đến năm 2030. Ảnh: Minh Thu
Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước đến năm 2030. Ảnh: Minh Thu

Xin ông cho biết điểm mới trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050?

Sau 34 năm tái lập tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm kỳ đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ lớn lao và tự hào đối với quá trình phát triển dài hạn, bền vững của địa phương thông qua việc xây dựng quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điểm mới, nổi bật nhất trong suốt hành trình phát triển đi lên của Quảng Ngãi.

Ông Đặng Văn Minh

Ông Đặng Văn Minh

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030, từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho Quảng Ngãi.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều; dựa trên sự phát triển bền vững, cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Từ đó, quan điểm lập quy hoạch đáp ứng 5 khía cạnh: biến thách thức thành cơ hội; phát triển bền vững; phát triển tập trung; tập trung vào phát triển hạ tầng; yếu tố liên kết vùng. Dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, Quảng Ngãi đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.

Hoạch định cho một giai đoạn phát triển dài hạn, ổn định và bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch. Chỉ đạo này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Quảng Ngãi đã có bề dày phát triển 48 năm (14 năm là tỉnh Nghĩa Bình, 34 năm tái lập Tỉnh) nên quan điểm chỉ đạo trong nhiệm vụ lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, chắt lọc, chọn lọc đưa ra những tư duy đột phá mới làm “kim chỉ nam” cho giai đoạn phát triển mới. Qua đó, quy hoạch lần này đã phát huy lợi thế đặc điểm, vai trò, vị trí địa lý là hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tổ chức, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với sự phát triển của Quảng Ngãi trong mối tương quan với khu vực và cả nước. Từ những nội dung trong Quy hoạch sẽ kéo theo yêu cầu quá trình triển khai phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, nhằm tận dụng triệt để các tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực phát triển cho Quảng Ngãi.

Trong Quy hoạch, nhiều lần cụm từ “tập trung” được nhắc đến, có nghĩa là nhiều nhiệm vụ phải triển khai đòi hỏi sự tập trung về nguồn lực đầu tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nhân lực... Ông có thể điểm qua một số nhiệm vụ cần sự tập trung, tạo động lực cho quá trình phát triển của Tỉnh?

Được định vị là hạt nhân phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng thời gian qua Quảng Ngãi vẫn chưa tận dụng lợi thế này để bứt phá. Trong nhiệm kỳ này, Quảng Ngãi xác định nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm là tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ đa mục tiêu phát triển và mở cửa liên kết theo nhiều hướng Nam - Bắc, Đông - Tây thông qua liên kết cứng và liên kết mềm, đưa Quảng Ngãi phát triển hài hòa cả ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.

Vấn đề tập trung thứ hai trong Quy hoạch là phát triển kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể, toàn diện theo xu hướng chung của cả nước và toàn cầu. Trong tương lai, kinh tế số trở thành động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế, gắn kết chặt chẽ với chính quyền số, xã hội số, giúp Quảng Ngãi nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng vào năng suất kinh tế thay vì năng suất sản phẩm; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, ứng phó với các tác động tiêu cực từ tình hình thế giới và khu vực.

Mục tiêu Quảng Ngãi đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là gì, thưa ông?

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, Quảng Ngãi đã đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Quan điểm phát triển này tiếp tục được đưa vào Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và nâng tầm phát triển cao rộng hơn.

Theo đó, đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Đạt được mức phát triển này, Quảng Ngãi sẽ nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Đồng thời, có tiềm lực tập trung đầu tư phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Đặc biệt, phải hình thành được trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển - đảo theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Để hiện thực hóa Quy hoạch, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 410 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 150 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 260 nghìn tỷ đồng. Dự kiến vốn từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37 - 38 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 60 - 65 nghìn tỷ đồng. Dự kiến vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 120 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Để có nguồn lực này, Quảng Ngãi đề xuất cơ chế hỗ trợ hợp lý từ ngân sách trung ương để tăng thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội; quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Xác định rõ các khoản chi trọng điểm, thứ tự ưu tiên các khoản chi, loại bỏ các khoản chi bất hợp lý. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…

Chuyên đề