Tư duy mới, chính sách mới mở lối cho Việt Nam bứt phá, vươn tầm

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, tạo đà cho năm 2025 tăng tốc, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trao đổi với Báo Đấu thầu trước thềm năm mới 2025, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đặt niềm tin vào tư duy mới, chính sách mới và kỳ vọng Việt Nam sẽ ghi những bước tiến tích cực trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 có thể đạt 8%

TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Năm 2025, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới và có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% nhờ các động lực tăng trưởng truyền thống cũng như động lực tăng trưởng mới đều tích cực.

Hoạt động xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trưởng tích cực như hệ quả tất yếu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới và việc khai thác có hiệu quả các thị trường mới như thị trường Halal. Về đầu tư, thời gian qua, tỷ trọng vốn đầu tư thực hiện hàng năm của khu vực tư nhân trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 55 - 59,5%, tăng mạnh so với những năm trước dịch Covid-19 (dưới 45%) và tăng mạnh hơn so với khu vực kinh tế nhà nước cũng như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2025, vốn đầu tư tư nhân dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng. Với hàng loạt chính sách thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao mới được ban hành, dòng vốn FDI vào Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Lượng lớn vốn đầu tư công được rót vào các dự án kết cấu hạ tầng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, năm 2025, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực, tạo tiền đề để nền kinh tế bứt phá trong năm 2025.

Chống lãng phí là một thông điệp mới, một động lực buộc phải hành động để thay đổi

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Tôi dự cảm bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ sáng sủa hơn và năng lực cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn. Dự cảm xuất phát từ việc những người đứng đầu đất nước, nhất là Tổng Bí thư và Thủ tướng đều xem trọng việc tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Gần đây, nước ta chính thức hợp tác với NVIDIA, đưa một “đại bàng” trong ngành công nghệ về làm tổ, đó là một thành công vượt bậc.

Dự cảm lạc quan còn đến từ việc Tổng Bí thư đề cao việc chống lãng phí. Đây là một thông điệp mới, một động lực buộc các quan chức không thể ngồi yên, trú ẩn an toàn mà phải bắt tay hành động. Quyết tâm và nỗ lực thay đổi của Đảng và Chính phủ là chìa khóa giúp kinh tế Việt Nam bứt phá. Sự thay đổi và cải cách về thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy sẽ giúp tránh được sự chồng chéo cho người dân và doanh nghiệp. Khi mọi thủ tục được rút ngắn và nhanh gọn thì tự khắc nền kinh tế sẽ mạnh lên, không còn trì trệ.

Dự cảm lạc quan còn đến từ việc Chính phủ đang mạnh mẽ thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chuyển đổi số, đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở chuyển đổi số, tức chỉ ghi nhận về mặt dữ liệu thôi thì chưa đủ, mà cần phải hướng đến áp dụng cho cả một Chính phủ thông minh. Việc này không thể chậm trễ được. Việt Nam đang có công ty hàng đầu thế giới về AI đầu tư, nên chúng ta hoàn toàn có cơ hội trở thành quốc gia áp dụng AI trong quản lý nhà nước. Đồng thời, cùng lúc thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự đồng bộ và nhất quán này sẽ giúp cải thiện hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, kéo theo nền kinh tế phát triển. Phải xác định đây là một giải pháp có tính trọng tâm và chiến lược thì mới đạt được kết quả cao, tạo bệ phóng cho kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2025 mà dài hạn.

Quyết tâm hoàn thành sứ mệnh “điện đi trước một bước”

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Dự báo năm 2025 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng cung cấp điện bình quân ở mức cao từ 8 - 10%/năm. Đây là một thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đòi hỏi cần phải đổi mới từ quan điểm, tư duy và cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ những kết quả đã đạt được, những bài học quý rút ra trong quá trình đầu tư xây dựng công trình đường dây 500kV mạch 3, Tập đoàn đã xác định cho mình phương hướng, cách thức để thực hiện công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm khác trong thời gian tới để “Tốt hơn - Nhanh hơn - Hiệu quả và An toàn hơn”, đặc biệt là các dự án được giao trong Quy hoạch điện VIII.

Theo đó, EVN quán triệt tất cả các đơn vị, các cấp lãnh đạo, cán bộ công nhân viên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá” để hoàn thành sứ mệnh “điện đi trước một bước”, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Đối với công tác kế hoạch, quy hoạch, để tránh vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai dự án, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực phải bám sát Sở Công Thương và các sở ban ngành liên quan, tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Tỉnh.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, các tổng công ty, ban quản lý dự án phải tham gia và kiểm soát chất lượng sản phẩm của tư vấn và đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác giải trình với cơ quan có thẩm quyền. Lãnh đạo các đơn vị chủ động, thường xuyên báo cáo các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Trong công tác lựa chọn nhà thầu, yêu cầu các đơn vị trực thuộc nắm bắt thị trường, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu hợp lý, triển khai đấu thầu 100% các gói thầu qua mạng. Tập trung nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức xét thầu, thương thảo hợp đồng theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu tại các đơn vị…

Để tăng trưởng cao, hóa giải các điểm nghẽn thể chế có vai trò quyết định

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Với các quyết sách mạnh mẽ và hiệu quả của Chính phủ cùng với sự hồi phục của kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đã có những bước tiến tích cực qua từng tháng, từng quý.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, thể hiện rõ nét qua số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở mức cao, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục chưa bền vững… Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng, nhưng vẫn cách xa con số tăng trưởng hơn 10% của thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ẩn số, có thể bất lợi với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, chính sách tiếp tục kích cầu tiêu dùng và đầu tư của Chính phủ trong năm 2025 là hợp lý. Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương làm mới các động lực tăng trưởng, kích thích các động lực tăng trưởng để tăng thu nhập khả dụng, kích hoạt đầu tư và tiêu dùng trong nước. Để thành công với chủ trương này, việc hóa giải các điểm nghẽn thể chế có vai trò quyết định. Vừa rồi, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản luật, ghi nhận bước tiến mới trong việc gỡ khó cho môi trường đầu tư, kinh doanh, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là công việc liên tục, cần tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh, cải cách, sửa đổi kịp thời theo tinh thần xây dựng môi trường kinh doanh có tính kiến tạo, ổn định, minh bạch.

Lường sớm những thách thức của năm 2025

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu

Trong năm 2025, Việt Nam sẽ đối diện với các thách thức về tỷ giá, ngoại thương, biến động địa chính trị và những hạn chế nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính sách mới có thể áp thuế nhập khẩu rất cao lên các quốc gia xuất siêu vào Hoa Kỳ, làm giá cả gia tăng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể xoay chuyển chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt nếu lạm phát gia tăng, dẫn tới bất lợi cho Việt Nam. Thách thức tiếp theo là tình hình địa chính trị bất ổn với những biến động tại Ukraine, Trung Đông có thể tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế của Việt Nam. Biến số còn lại là những vấn đề của nội tại nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù có hỗ trợ lớn từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Môi trường đầu tư của Việt Nam rất thuận lợi

Ông William P. Badger, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Concordia International School, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham)

Tôi đã làm việc liên quan đến Việt Nam từ cách đây 30 năm, sống ở đây 27 năm, nên chứng kiến rất rõ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước này.

Môi trường đầu tư của Việt Nam rất thuận lợi, có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ. Trong đó, giáo dục là lĩnh vực có sức hút mạnh mẽ. Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng để đầu tư phát triển dịch vụ giáo dục, bởi các gia đình ở Việt Nam ngày càng quan tâm đến giáo dục và chấp nhận đầu tư để con cái họ thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất có thể.

Concordia thuộc hệ thống trường của Lutheran Church - Missouri Synod (LCMS) tại Hoa Kỳ, hiện có 535 cơ sở ở 30 quốc gia. Tại Việt Nam, chúng tôi đã đầu tư trường quốc tế Concordia tại Hà Nội từ cách đây 20 năm và đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng. Cung cấp nền tảng tri thức tốt cho học sinh để sau này có thể trở thành nguồn nhân lực tốt và các nhà lãnh đạo tài năng là một trong những điều chúng tôi mong muốn đóng góp và kỳ vọng khi quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và phát triển dịch vụ giáo dục nói riêng, theo tôi, Việt Nam cần có chính sách thị thực phù hợp để khuyến khích, thu hút thêm nhiều chuyên gia giỏi đến làm việc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần kiên định với định hướng chuyển đổi năng lượng xanh, sạch. Trong suốt chương trình giảng dạy của Concordia, học sinh luôn được dạy đan xen nội dung phải “có trách nhiệm với môi trường”. Các tòa nhà được đầu tư xây dựng trong Trường đã nhận được chứng nhận xanh thông qua LEED và đạt tiêu chuẩn Bông sen vàng về công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) chứng nhận, qua đó giúp chúng tôi sử dụng năng lượng bền vững và tiết kiệm chi phí.

Niềm tin và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam được củng cố

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành của Economica Việt Nam

Kết quả tích cực của kinh tế năm 2024 đạt được nhờ niềm tin của thị trường và cộng đồng doanh nghiệp được củng cố. Minh chứng rõ nhất cho điều này là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập qua các tháng và quý luôn cao hơn con số của cùng kỳ năm trước, nguồn vốn FDI tăng mạnh, tổng mức bán lẻ tiếp tục phục hồi. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới nhờ nhu cầu hàng hóa Việt Nam của các thị trường lớn phục hồi mạnh mẽ. Các yếu tố này củng cố nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Từ sức bật mạnh mẽ của kinh tế năm 2024 cho thấy khả năng chống chọi tốt, năng lực cạnh tranh được củng cố của nền kinh tế, tạo điều kiện để xây dựng vị thế tốt hơn trong chặng đường tiếp theo. Mặt khác, diễn biến kinh tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp đã thích nghi được với biến động của kinh tế thế giới, trong đó có sự suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Trước mắt là rủi ro từ xu thế bảo hộ thương mại có thể gây khó cho việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu được dự báo có thể suy giảm trong năm 2025. Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 ở mức 0,1 - 0,3 điểm % so với các dự báo trước đó. Điều này có nghĩa là sự phục hồi của kinh tế thế giới chưa thực sự vững chắc và có thể làm suy giảm nhu cầu với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, dòng vốn đầu tư thế giới vào Việt Nam cũng có thể suy giảm. Vì vậy, cần tính toán trước các giải pháp để ứng phó với diễn biến này.

Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng của nước ta là 6,5% - 7%, có thể đạt được. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn ngưỡng này, đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn, đạt hiệu quả trong việc làm mới các động lực tăng trưởng cũ và tạo được động lực mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo… Điều này chỉ có thể đạt được nếu quá trình cải cách thể chế ghi dấu ấn thành công.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư