Đưa ra kết luận tại cuộc họp với các nhà đầu tư BOT trên cả nước về vấn đề trạm thu phí không dừng sáng ngày 2.3, Thứ trưởng điều hành Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định việc triển khai trạm thu phí không dừng trên cả nước sẽ giảm bớt vấn đề ùn tắc tại các trạm thu phí và tạo sự thuận tiện hơn cho người dân. Do đó, ông Trường yêu cầu tất cả các trạm thu phí BOT trên QL1, QL14, đường HCM qua Tây Nguyên, các trạm BOT trên cao tốc từ nay tới ngày 30.6 phải triển khai hoàn tất việc lắp đặt công nghệ, vận hành thử nghiệm. Từ ngày 1.7, các trạm sẽ phải chuyển sang 50% thu phí không dừng, 50% thu phí một dừng và tiến tới thu phí không dừng 100%.
Lãnh đạo bộ yêu cầu đơn vị triển khai là công ty Tasco phối hợp với Tổng cục đường bộ lên lộ trình triển khai cụ thể tại từng trạm BOT.
Để "ép" các nhà đầu tư BOT, ông Trường yêu cầu 18 đơn vị còn lại ký dứt điểm phụ lục hợp đồng cùng Bộ để cam kết triển khai thu phí không dừng và để có cơ sở pháp lý triển khai.
"Đơn vị nào trì hoãn chưa ký thì tuần sau Bộ ra quyết định dừng thu phí" ông Trường tuyên bố và cho rằng không thể có chuyện họp bàn rồi để đấy.
Liên quan tới các lo ngại về việc sẽ kéo dài thêm thời gian thu phí khi triển khai công nghệ này, đại diện đơn vị triển khai Tasco - VETC cho rằng việc thu phí không dừng sẽ không làm tăng chí phí mà thậm chí còn giúp người dân rút ngắn thời gian mất phí cho dự án BOT.
Thẻ e-tag đang được thử nghiệm của VETC.
Lý giải về điều này, đại diện VETC cho biết nếu phí qua một trạm BOT hiện nay vào khoảng 100.000 đồng/lượt thì trong đó sẽ có khoảng 95.000 đồng tiền hoàn vốn, còn lại 5.000 đồng chi phí tiến hành thu phí (từ tiền in vé, đến tiền thuê nhân công tiến hành thu phí). Khi chuyển đổi từ hình thức thu phí hiện nay sang thu phí không dừng, các nhà đầu tư BOT về cơ bản không mất thêm chi phí lắp đặt ban đầu và dùng chính số tiền 5.000 đồng/lượt kia để trả cho nhà dịch vụ Tasco.
Do đó, mức phí áp cho người dân sẽ không tăng và quá trình thu phí sẽ minh bạch hơn vì tiền nộp của người dân được chuyển thẳng vào ngân hàng và đến với nhà đầu tư. Những trường hợp gian lận phí khi người thu phí cố tình không chuyển phiếu thu phí cho các lái xe sẽ bị loại bỏ.
Về việc sử dụng thẻ e-tag khi thu phí không dừng, nhà phân phối cho biết thẻ E-tag sẽ được phát miễn phí cho người dùng để dán lên kính lái ôtô kèm theo một tài khoản ETC để thu phí điện tử. Thông qua một con chip, thẻ sẽ được quét và trừ tiền mỗi lần qua trạm thu phí. Người dân có thể nạp tiền vào thẻ như thẻ điện thoại hoặc chuyển khoản ở ngân hàng và tiền trong thẻ sẽ được dùng dần.
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của phương tiện 2-3 phút và tiêu tốn thêm nhiên liệu khi lưu thông trên cao tốc. Khi áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỷ đồng mỗi năm, tiết kiệm nhiên liệu cho mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỷ đồng mỗi năm.