Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TSC đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Năm 2015, Công ty ghi nhận kết quả tăng 89% về doanh thu và 82% lợi nhuận so với năm 2014.
Đại hội cũng đã thông qua chủ trương tăng tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, tạo thuận lợi cho TSC trong việc huy động vốn nước ngoài.
Trao đổi với các cổ đông về động lực tăng trưởng năm 2015, ông Phan Minh Sáng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TSC cho biết, kết quả tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh của Công ty, đặc biệt là mảng thực phẩm, chế biến nông sản của công ty con Westfood, hiện đóng góp 50% lợi nhuận cho TSC. Trong năm 2015, TSC đã đầu tư nâng gấp đôi công suất kho lạnh, là cơ sở quan trọng cho việc tăng hiệu quả hoạt động công ty con.
Mảng nông dược, từ chỗ hoạt động thua lỗ trước tái cấu trúc, năm 2014 đã bắt đầu có lãi và đến năm 2015 ghi nhận con số 9,4 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo TSC, đây là kết quả của việc hoàn thiện dây chuyền sản xuất, bổ sung vốn lưu động và phát triển mạng lưới kinh doanh, đi kèm với tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, theo ông Sáng, do đặc thù của ngành với vòng quay vốn chậm, cộng thêm khó khăn của mảng nông nghiệp trong thời gian gần đây, TSC đã tính đến việc thoái vốn khỏi mảng này.
Một vấn đề khác liên quan đến hoạt động của TSC được cổ đông quan tâm là việc đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Ông Phạm Công Sinh, thành viên HĐQT TSC cho hay, đây là một trong những mảng được kỳ vọng trong các năm tới. Với hơn 90 triệu dân, có đặc điểm dân số trẻ và tiêu dùng cao, Việt Nam là thị trường rộng lớn và tiềm năng, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đều mong muốn đầu tư vào FMCG. Với sự phát triển tốt của nền kinh tế và thu nhập bình quân, ngành FMCG sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
“Chúng tôi đang sở hữu một đội ngũ gồm các nhân sự hàng đầu từ các tập đoàn P&G, Unilever, Masan… Tất cả đều nhiệt huyết và cùng chí hướng để xây dựng một tập đoàn tỷ đô để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam”, ông Sinh nói.