Truyền thông có trách nhiệm, công tâm và trung thực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong quá trình truyền thông chính sách, báo chí nên vì lợi ích của số đông và của đất nước, đội ngũ phóng viên phải công tâm và trung thực khi truyền tải thông tin để tránh tình trạng trở thành phương tiện truyền thông thiếu tính xác thực.
Truyền thông có trách nhiệm, công tâm và trung thực

“Làm tốt công tác truyền thông” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong các văn bản triển khai chính sách của các cơ quan nhà nước thời gian gần đây. Theo ông, các cơ quan báo chí đã thực hiện vai trò này như thế nào?

Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chung của cả cơ quan ban hành chính sách và cơ quan thực thi chính sách, nhiệm vụ này được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có vai trò của cơ quan báo chí.

Truyền thông chính sách đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động. Trong quá trình thực thi chính sách, từ phản ánh trên báo chí, các cơ quan nhà nước đã thực hiện điều chỉnh, sửa đổi các nội dung để phù hợp hơn với thực tế cuộc sống và diễn biến mới của đời sống kinh tế - xã hội.

Song thực tế, vẫn còn một số điểm bất cập trong quá trình truyền thông dẫn đến hiệu quả chính sách không cao và phải sửa đổi sau thời gian ngắn thực thi. Một phần nguyên nhân là quá trình lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng được lấy ý kiến và chưa phù hợp với thực tiễn đời sống.

Trong một số trường hợp, công tác cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế do không kịp thời và chưa đầy đủ nên việc truyền thông chính sách của cơ quan báo chí chưa đạt yêu cầu.

Nhiều cơ quan, bộ, ngành chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông, đội ngũ làm truyền thông chính sách mang tính kiêm nhiệm và chưa chuyên nghiệp nên thông tin cung cấp cho báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu để đạt hiệu quả truyền thông.

Từ phía cơ quan báo chí, cũng có nhiều trường hợp, các phóng viên và biên tập viên chưa hiểu sâu về chính sách dẫn đến việc đưa tin, bài chưa chuẩn xác, cách khai thác nội dung hời hợt.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Trước những vấn đề và chính sách kinh tế có thể có lợi cho nhóm đối tượng này nhưng lại bất lợi cho nhóm đối tượng khác, theo ông, báo chí cần làm như thế nào để bảo đảm truyền thông và phản biện chính sách một cách khách quan, vì lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp và đất nước?

Trong truyền thông chính sách, việc phản biện rất quan trọng để bảo đảm quá trình xây dựng chính sách có tính minh bạch, các quy định được ban hành có tính thuyết phục với người dân và xã hội. Trong quá trình đó, người làm báo cần đau đáu với câu hỏi: “Làm thế nào để các chính sách được ban hành mà không bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm?”. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp, các chính sách được hình thành với sự đan xen lợi ích của một nhóm đối tượng, nếu các sản phẩm báo chí không làm đầy đủ chức năng phản biện một cách khách quan thì có thể vô tình hoặc cố ý đồng thuận với định hướng lợi ích đó.

Ở Việt Nam, quá trình xây dựng chính sách thường do các cơ quan bộ, ngành thực hiện. Các bộ luật cũng được các cơ quan bộ, ngành xây dựng, sau đó được Chính phủ trình Quốc hội để lấy ý kiến và biểu quyết thông qua. Trong quá trình đó, nếu báo chí tham gia và làm tốt chức năng cầu nối phản biện xã hội thì sẽ góp phần hạn chế tình trạng lồng ghép lợi ích cục bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả chính sách.

Mặt khác, báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh và tổng kết tác động của chính sách với xã hội, hiệu quả thực thi chính sách, từ đó rút ra những điểm hạn chế cần khắc phục để sửa đổi và điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điểm yếu của báo chí Việt Nam là đội ngũ nhà báo có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực chuyên ngành đã có, nhưng chưa thực sự nhiều. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm báo chí còn hời hợt, đưa tin theo văn bản chứ chưa có sự phân tích, bình luận và đánh giá cần thiết. Để cải thiện điều này, các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí chuyên ngành, cần xây dựng được đội ngũ phóng viên, biên tập viên thật sự hiểu sâu về thông tin và các vấn đề của thông tin, liên tục nâng cao trình độ, kiến thức của đội ngũ người làm báo.

Trong truyền thông chính sách, báo chí nên vì lợi ích của số đông và của đất nước. Mặt khác, các sản phẩm báo chí cần làm tốt vai trò chuyển tải chính sách với ngôn ngữ, cách thức diễn đạt chuẩn xác và dễ hiểu.

Làm được như vậy thì báo chí sẽ góp phần đưa chính sách vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào chính sách.

Phải chăng vì lý do ông vừa nêu mà có tình trạng người dân phản ánh về một số thông tin chỉ có trên báo chứ không đúng thực tế. Chẳng hạn nhiều người nhận định “lên tivi mà mua”?

“Lên tivi mà mua” là phản ánh từ người dân về thông tin chưa đúng trên báo chí với nhiều nguyên nhân. Đó có thể do tác động của một cơ quan, một tổ chức mà khi ban hành chính sách họ sử dụng báo chí làm công cụ tuyên truyền cho mục tiêu mong muốn. Khi đội ngũ phóng viên, biên tập viên tin tưởng vào nguồn tin từ cơ quan chức năng mà thiếu kiểm chứng từ thực tế thì vô tình trở thành công cụ tuyên truyền. Do đó, đội ngũ phóng viên thực sự phải công tâm và trung thực khi truyền tải thông tin để tránh tình trạng trở thành phương tiện truyền thông thiếu tính xác thực.

Theo ông, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cách thức truyền thông và phản biện chính sách cần có những thay đổi gì để đạt hiệu quả tốt nhất?

Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, cách tiếp cận thông tin của bạn đọc ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao hơn. Không chỉ đón nhận thông tin từ truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo điện tử, mà bạn đọc ngày nay, đặc biệt là bạn đọc trẻ chủ động tiếp cận thông tin qua các ứng dụng công nghệ mới. Do đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng ứng dụng công nghệ mới trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí để được đón nhận nhiều hơn và đạt hiệu quả tương tác tốt hơn. Hơn hết, chất lượng thông tin vẫn là yếu tố quan trọng nhất để đưa bạn đọc đến với các sản phẩm báo chí, từ đó, chức năng truyền thông và phản biện chính sách của báo chí mới được phát huy tốt.

Chuyên đề