Truyền cảm hứng từ góc nhìn nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo chí Việt Nam hiện nay, cũng như báo chí trên phạm vi toàn thế giới, đang đứng trước rất nhiều thách thức. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông trên nền tảng số, các thách thức này cứ liên tiếp xuất hiện, càng ngày càng lớn hơn, phức tạp và khó hình dung hơn. Các thách thức này, thậm chí, có thể nhấn chìm báo chí dưới cái bể mênh mông “tạp pí lù”, rất khó lường của truyền thông xã hội…
Báo chí đã lan tỏa những nguồn cảm hứng, tạo nên thay đổi lớn lao về tư duy và hành động, góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo và phát triển đất nước hướng tới thịnh vượng và bền vững. Ảnh: Lê Tiên
Báo chí đã lan tỏa những nguồn cảm hứng, tạo nên thay đổi lớn lao về tư duy và hành động, góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo và phát triển đất nước hướng tới thịnh vượng và bền vững. Ảnh: Lê Tiên

Bây giờ, hãy đặt ra một câu hỏi với mỗi nhà báo để thử xem thách thức ấy như thế nào nhé: “Mỗi khi cần biết thêm những thông tin mới hay những tin tức quanh một sự kiện nào đó, bạn sẽ truy cập vào đâu trước tiên?”. Với cá nhân tôi, tôi sẽ truy cập đầu tiên vào trang Facebook! Ở đấy, tôi có nhiều bạn bè, họ sẽ bình luận, dẫn đường link, tường thuật lại sự kiện mà họ quan tâm, cũng là vấn đề mà tôi đang muốn biết. Thế là tôi đã tạm đủ thông tin. Sau đó, nếu muốn biết thêm, tôi sẽ truy cập vào Google, YouTube, rồi các trang mạng… Ở những nơi ấy, tin tức nhiều vô kể.

Nhưng sau đấy, tôi nhận được gì? Những thông tin ấy đa số thường là lạnh lùng, có thể làm tôi bải hoải, rã rời. Chưa kể, còn gặp vô số fake news (tin giả), bởi tính pháp lý của nguồn tin không bị trói buộc nhiều, vì thế, nó thường làm cho tôi càng bải hoải, rã rời thêm. Và nếu không tỉnh táo, với tư cách một công dân mạng, tôi lại còn tiếp tục lan tỏa những thông tin ấy từ trang Facebook của cá nhân mình.

Rồi sau khi tiếp nhận từng ấy thông tin hỗn độn, tôi lại phải quay về, tìm đọc những tờ báo mà mình đã từng tin cậy. Đọc các tờ báo ấy để lặng lẽ xác thực lại thông tin. Và hơn nữa, ở đấy, tôi có thể bắt gặp những góc nhìn tỉnh táo, sáng suốt, trách nhiệm, thấy những tia sáng nhân văn, chạm vào những xúc cảm tích cực…

Hóa ra, đứng trước bao nhiêu thách thức ghê gớm như đã nói ở trên, báo chí vẫn vững vàng, không thể bị nhấn chìm trong một biển thông tin xã hội vô định, bởi vì bản ngã của báo chí chân chính là đằng sau tin tức, cuối cùng vẫn là câu chuyện của con người, của nhân văn, trách nhiệm nghề nghiệp và còn chứa đầy những cảm hứng để giúp cho con người sống tốt hơn…

***

Không thể kể hết những câu chuyện trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam từ khi hình thành. Với những gì mà tôi từng chứng kiến, trải qua và tham dự, thì báo chí Việt Nam có một giai đoạn rất đẹp đẽ, đầy nhân văn, thổi bùng lên cảm hứng xã hội để góp phần tạo ra những thay đổi mà vượt thoát khỏi những ngặt nghèo, nan giải. Đó chính là giai đoạn trước, trong và sau thời kỳ Đổi mới.

Báo chí là một trong những nghề nghiệp được xã hội nể trọng và tôn vinh. Nhà báo cũng bỏ sức lao động như bao người khác. Nhưng nhà báo hành nghề không chỉ để sống, mà còn để xứng đáng với sự nể trọng, tôn vinh và tin tưởng của xã hội. Họ phải truyền cảm hứng nhân văn tốt đẹp đến cho con người. Nhà báo phải đứng vào trong nhóm những con người tiên phong, dẫn dắt cho đất nước và xã hội phát triển.

Thời kỳ đó, sau những mòn mỏi và trì trệ, trói buộc, ở nhiều nơi, những con người tiên phong đã tự thấy chính mình phải sáng tạo, đổi mới, vượt rào, xé rào để tự giải thoát. Bắt đầu từ một vài địa phương, rồi mở ra ở nhiều nơi trong cả nước. Báo chí vào cuộc phản ánh, cổ súy. Rồi những nhà lãnh đạo bắt đầu chú ý và có những chuyến đi thị sát để nắm bắt đúng tình hình và thực tế. Từ đó, chủ trương và đường lối Đổi mới đã được hình thành ngay trước ngày mở ra kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI, dù trước đó đã được chuẩn bị theo cách cũ gần như hoàn chỉnh.

Tiếp theo là những loạt bài đấu tranh chống tiêu cực, những đề tài về tháo gỡ khó khăn từ cung cách bao cấp, những tìm tòi thay đổi từ tư duy cho đến cơ chế quản lý, những câu chuyện đổi mới cách làm ăn, nâng cao tự chủ của người lao động… Những đề tài ấy luôn sôi nổi trên báo chí, thu hút sự quan tâm, theo dõi của người dân.

Đi đầu trong công cuộc này là các tờ báo từ phía Nam. Ở phía Bắc, các tòa soạn giàu truyền thống cũng bắt đầu chuyển biến mạnh mẽ. Ngay một ấn phẩm chuyên về văn học là tờ Văn nghệ cũng nhập cuộc, với các phóng sự, ký sự nóng hổi hơi thở của đời sống cùng các cuộc trao đổi, đối thoại, đã tạo nên sự quan tâm lớn của giới trí thức cũng như người dân. Người ta chờ đợi từng số báo mới được phát hành. Các sạp báo là nơi người dân ghé đến đầu tiên trước khi đến nơi làm việc hay công sở. Các cuộc trao đổi ở các cơ quan, công sở, cũng xoay quanh đề tài từ báo chí đặt ra.

Chắc cũng chưa từng có và sau này chẳng gặp lại nữa câu chuyện ở mức độ đẹp đẽ đến như ngày ấy: người đứng đầu đất nước xuất hiện trên báo chí như một nhà báo, luôn viết cập nhật, với một chuyên mục mới được mở ra. Đó là chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, tác giả là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L, mà người dân gọi là “Nói và Làm”. Những bài báo của tác giả N.V.L có sức lan tỏa, tạo nên đề tài cho nhiều cuộc trò chuyện, trao đổi, bàn thảo về đổi mới làm ăn.

Thời ấy, báo chí đã đi cùng với nhân dân và những người lãnh đạo đất nước, đã truyền cho cả xã hội một cảm hứng chung lớn lao về việc phải sáng tạo, thay đổi, vượt thoát và vươn lên. Đường lối Đổi mới của Đảng đã hình thành, qua cảm hứng của toàn xã hội, đi rất nhanh vào hiện thực, tạo nên những động lực lớn lao, đặt nền móng cho nhiều thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, đối ngoại và hội nhập với thế giới của đất nước trong hơn 30 năm vừa qua.

***

Sau này, báo chí ở nước ta tiếp tục có nhiều đóng góp lớn nữa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều vấn đề mới mẻ như phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của doanh nhân trong công cuộc làm giàu và xây dựng kinh tế đất nước, những vấn đề về mở cửa hội nhập với quốc tế trong phát triển quốc gia… đã được báo chí nêu lên, tác động đến việc hình thành nên những chính sách của Nhà nước. Báo chí khơi nên những giá trị tốt đẹp, vun đắp sức mạnh dân tộc để vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định con đường phát triển, hướng tới thịnh vượng và bền vững.

Trong thời gian gần đây, báo chí đã góp công lớn vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ này, các nhà báo đã nhập cuộc và thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình.

Các tổ chức, các cơ quan truyền thông lớn và có uy tín toàn cầu đã đánh giá rất cao Việt Nam trong cung cách vượt qua đại dịch. Việt Nam đứng trong tốp đầu danh sách các quốc gia ngăn chặn hiệu quả nhất tác động nguy hại của đại dịch Covid-19. Chính phủ Việt Nam đứng vào tốp đầu danh sách các chính phủ được toàn dân tin tưởng.

Trong sự “đứng đầu” ấy, báo chí Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận. Tổ chức Forbes đánh giá báo chí Việt Nam được người dân tin tưởng nhất về thông tin đại dịch Covid-19. Theo Forbes, dịch Covid -19 đã mang lại nhiều thách thức cho báo chí trong việc tìm ra sự thật cũng như lọc bỏ những “tin vịt”, tin giả và chưa bao giờ mức độ tin cậy của truyền thông, báo chí lại có ý nghĩa quan trọng như lúc này. Thông tin về tình hình dịch bệnh luôn luôn đầy đủ, minh bạch, đồng loạt trên báo chí ở nước ta, vượt trội so với các quốc gia khác. Ngoài việc đưa tin, báo chí nước ta đã có những bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người. Trong cuộc chiến đấu với đại dịch, rất nhiều phóng viên đã trực tiếp xung trận cùng với các lực lượng như quân đội, y tế và công an trên những tuyến đầu nóng bỏng.

***

Báo chí là một trong những nghề nghiệp được xã hội nể trọng và tôn vinh. Nhà báo cũng bỏ sức lao động như bao người khác. Nhưng nhà báo hành nghề không chỉ để sống, mà còn để xứng đáng với sự nể trọng, tôn vinh và tin tưởng của xã hội. Họ phải truyền cảm hứng nhân văn tốt đẹp đến cho con người. Nhà báo phải đứng vào trong nhóm những con người tiên phong, dẫn dắt cho đất nước và xã hội phát triển.

Trong bao nhiêu xoay trở nhằm cố gắng có những trang bị mới, cố gắng đổi mới để cập nhật nhanh nhất kiến thức, kỹ năng, và công nghệ nhằm đưa báo chí theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trong những nhọc nhằn với cuộc chiến tìm lấy và giành lại bạn đọc, trong những sức ép về lượng view, về rating… thì cứu cánh của báo chí chính là tính chất xác thực của thông tin, là góc nhìn và câu chuyện, là sự nhân văn và truyền cảm hứng đến xã hội vì sự phát triển của con người và quốc gia. Nếu không đạt được điều này, báo chí sẽ mãi mãi lẽo đẽo đi theo những kẻ khác, là “đồ thừa” sau các trang website tin tức và mạng xã hội…

Và tôi lại ao ước được chứng kiến báo chí Việt Nam trong công cuộc “truyền lửa” mới, giống như trong thời kỳ Đổi mới trước đây, để lan tỏa được nhiều hơn nữa những nguồn cảm hứng mới, tạo nên những thay đổi lớn lao về tư duy và hành động, góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo và phát triển đất nước hiện nay.

Chuyên đề