Phối cảnh trường quay Cổ Loa |
Trong khi nhiều hãng phim tư nhân phía Nam đã xây trường quay riêng từ lâu thì phía Bắc lâu nay vẫn rơi vào cảnh "đói trường quay". Câu chuyện này đã được nhắc đến rất nhiều lần và bao năm qua vẫn không có gì thay đổi. Trong khi đó, chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ từng phê duyệt vào tháng 11/2013 đã nêu rõ đến năm 2020 sẽ xây được ba trường quay tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Việc xây trường quay này sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các UBND TP. Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng thực hiện. Đất đai xây dựng do ba thành phố này bố trí. Kinh phí huy động chủ yếu theo cơ chế xã hội hóa, còn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư một số hạng mục ban đầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cho rằng, ý tưởng xây dựng trường quay chỉ phù hợp với hai thành phố lớn và có hoạt động điện ảnh tương đối sôi động là Hà Nội và TP.HCM. Còn đối với Đà Nẵng, việc đó xem ra chưa phù hợp và có thể gây lãng phí, khi bài học trường quay Cổ Loa còn chưa xa.
Thế nên là từ năm 2013 đến nay, Việt Nam vẫn chưa có thêm một trường quay lớn nào ngoài một số ít phim trường, thực chất chỉ là một số bối cảnh có quy mô nhỏ và rất hạn chế khi sử dụng. Đặc biệt, trường quay Cổ Loa vẫn loay hoay câu chuyện quy hoạch, đầu tư, tôn tạo và xây dựng lại.
Cụ thể, vào năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định về việc xây dựng lại trường quay Cổ Loa, với sự đầu tư kinh phí lớn của Nhà nước lên tới 108 tỷ đồng. Trường quay được chia thành ba khu là: Khu kỹ thuật (gồm trường quay nội; trường quay dưới nước; nhà kỹ thuật hình, tiếng: Khu xưởng dựng cảnh, phục trang và máy móc thiết bị; xưởng in tráng phim; kho); Khu nhà điều hành (gồm khối văn phòng; nhà chiếu duyệt phim và nhà công vụ) và Khu trường quay ngoại (bao gồm Khu bối cảnh sử dụng nhiều lần và khu bối cảnh sử dụng một lần).
Các nhà lãnh đạo kỳ vọng với quy mô hiện đại đến năm 2015, sau khi hoàn thành, trường quay Cổ Loa sẽ đáp ứng được công suất làm khoảng 30 phim nhựa/năm; 60 bộ phim video/năm; đến 2020 sẽ đáp ứng khoảng 35 phim nhựa/năm và 80 phim video/năm.
Tuy nhiên, sau khi được rót vốn nâng cấp, cải tạo, nhiều hạng mục đã khang trang hơn, nhiều bối cảnh đã được dựng lên, đặc biệt là bối cảnh cho 2 phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử Thiên Đô thì các hạng mục này đã xuống cấp nhanh chóng. Trường quay tiếp tục loay hoay ở việc hoàn thành phương án quy hoạch tổng thể.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Trường quay Cổ Loa. Khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết có tổng diện tích khoảng 157.693m2 được phân chia thành các lô đất quy hoạch, bao gồm các chức năng sử dụng đất chính sau: khu Trường quay; khu nhà ở, đảm bảo sự linh hoạt trong việc xây dựng các bối cảnh phục vụ việc sản xuất phim ảnh. Giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hiện tượng khói, bụi, tiếng ồn... với khu dân cư lân cận.
Theo quyết định, xây dựng khu trường quay hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh nước nhà nói riêng và khu vực nói chung, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và giải quyết tốt những vấn đề kinh tế - xã hội. Tạo lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với khu đô thị xung quanh.
Nếu lạc quan và tin vào những con số và mục tiêu nêu ra, có lẽ sẽ mừng vui vì Việt Nam như một thiên đường để quay phim với những thước phim hoành tráng. Nhưng nếu tĩnh trí lại thì không khỏi giật mình với dự án phim trường đầu tư tiền tỷ xuống cấp nhanh chóng và bỏ hoang đến vài năm.
Muốn xây dựng một phim trường thành một quần thể gồm trung tâm mua sắm, cụm rạp chiếu phim, nhà hàng, công viên giải trí, khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, nhà nghỉ cho đoàn làm phim, kho đạo cụ, trường đào tạo…, cần một mặt bằng rộng, không quá xa các khu dân cư và thuận tiện giao thông.
Có thời điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng tính xây phim trường ở Nha Trang để sẵn cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhưng lại quá xa Hà Nội và TP.HCM - nơi các hãng phim đặt trụ sở. Cuối cùng, Bộ đành quay lại với phim trường Cổ Loa cách Hà Nội vài chục ki-lô-mét để tạo giấc mơ lớn cho ngành điện ảnh. Thiết nghĩ, trong thời điểm kỹ thuật điện ảnh thế giới ngày càng phát triển như vũ bão, liên tục có những công nghệ mới được ứng dụng, thì bài toán khó cho các bộ, ngành là làm sao tính toán xây trường quay cho phù hợp và khai thác hiệu quả.