Trúng thầu cung ứng thuốc, vì đâu nhà thầu “bỏ cuộc”?

(BĐT) - Thời gian gần đây, nhiều đơn vị địa phương đã có hình thức xử lý đối với những trường hợp nhà thầu vi phạm trong đấu thầu, cung ứng thuốc như cung cấp thuốc gián đoạn, không cung cấp được thuốc sau trúng thầu, không chịu thương thảo, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư... Hành động “đánh trống bỏ dùi” này của nhà thầu gây không ít bức xúc và hệ lụy, cần nhận diện nguyên nhân và có hình thức xử lý phù hợp.
Trên thực tế, có những trường hợp nhà thầu không chịu thương thảo hợp đồng sau khi trúng thầu do giá thuốc trên thị trường tăng cao so với giá trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên
Trên thực tế, có những trường hợp nhà thầu không chịu thương thảo hợp đồng sau khi trúng thầu do giá thuốc trên thị trường tăng cao so với giá trúng thầu. Ảnh: Lê Tiên

Trong 7 trường hợp nhà thầu vi phạm trong đấu thầu, cung ứng thuốc năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa bị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk báo cáo Bộ Y tế mới đây, có 2 trường hợp nhà thầu không chịu thương thảo hợp đồng sau trúng thầu nên bị tịch thu bảo đảm dự thầu. Theo đó, 2 nhà thầu bị Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tịch thu bảo đảm dự thầu gồm: Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương (không thương thảo cung cấp thuốc Humulin 30/70 Kwikpen) và Công ty CP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (không thương thảo cung cấp thuốc Theresol).

Trước đó, vào cuối năm 2019, Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, Sở Y tế tỉnh Điện Biên thông báo về tình hình nhà thầu vi phạm trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc, trong đó có hành vi không làm các thủ tục ký kết hợp đồng sau khi trúng thầu như: Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 - Phytopharma không ký hợp đồng cung ứng thuốc Amlor Cap 5mg 30’S; Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương không ký hợp đồng cung cấp thuốc Bromhexin Natri hyaluronat Simvastatin…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cung ứng thuốc cho rằng, nguyên nhân của việc nhà thầu không thương thảo, không làm các thủ tục ký kết hợp đồng với chủ đầu tư sau khi trúng thầu là do nhà sản xuất ngừng sản xuất mặt hàng thuốc đó, hoặc mặt hàng thuốc đó khan hiếm và nhà thầu không có đủ số lượng cung cấp theo yêu cầu của gói thầu. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi vi phạm của nhà thầu trong quá trình đấu thầu, cung ứng thuốc, trong đó có những nguyên nhân khách quan. Trường hợp nhà thầu không cung cấp được đầy đủ thuốc (số lượng và tiến độ) như cam kết trong hồ sơ dự thầu có thể vì nhà sản xuất ngừng sản xuất và cung cấp mặt hàng thuốc đó ra thị trường, mặt hàng thuốc khan hiếm, nhà sản xuất không cung cấp thuốc cho nhà thầu để nhà thầu cung cấp cho chủ đầu tư… Với những trường hợp này, dư luận nên có cái nhìn cảm thông hơn với nhà thầu, mặc dù theo quy định, nhà thầu vẫn phải bị xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Tăng, cần phải lên án đối với trường hợp nhà thầu không thương thảo hợp đồng với chủ đầu tư sau khi trúng thầu, bởi nó thể hiện thái độ không nghiêm túc, bất hợp tác của nhà thầu khi tham dự thầu. Nếu một nhà thầu đàng hoàng, có “chữ tín” và chịu trách nhiệm với những cam kết của mình trong hồ sơ dự thầu thì sau khi trúng thầu, dù có xảy ra chuyện gì cũng cùng với chủ đầu tư thảo luận, bàn bạc tìm cách giải quyết.

“Trên thực tế, có những trường hợp nhà thầu “bỏ cuộc chơi”, không chịu thương thảo hợp đồng sau khi trúng thầu, bất chấp hình phạt xử lý của chủ đầu tư do giá thuốc trên thị trường biến động, tăng cao so với giá trúng thầu. Đây là một câu chuyện khác đáng phê phán về thái độ không nghiêm túc của nhà thầu khi dự thầu, thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà thầu chưa cao với những cam kết của mình trong hồ sơ dự thầu”, ông Lê Văn Tăng chia sẻ.

Chuyên đề