Trung Quốc mạnh tay cải tổ chính sách thuế

Chính sách tính thuế mới của Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp nước này tiết kiệm được 500 tỷ Nhân dân tệ, tức 77 tỷ USD trong năm nay...
Nhóm hưởng lợi nhiều nhất sẽ là doanh nghiệp nhỏ với doanh thu hàng năm dưới 500 nghìn nhân dân tệ (khoảng 77.195 USD) - Ảnh: Reuters.
Nhóm hưởng lợi nhiều nhất sẽ là doanh nghiệp nhỏ với doanh thu hàng năm dưới 500 nghìn nhân dân tệ (khoảng 77.195 USD) - Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ ngày 1/5 tới, Trung Quốc chính thức áp dụng chính sách thuế mới với mục tiêu đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp công nghệ, theo tin từ Bloomberg. 

Theo hệ thống mới, thuế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính và dịch vụ tiêu dùng sẽ được áp dụng theo chế độ thuế giá trị gia tăng, đây là loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. 

Chính sách tính thuế mới sẽ tương phản hoàn toàn với chính sách thuế áp dụng trên doanh thu hiện nay. 

Đối với những doanh nghiệp sản xuất hiện đã được áp dụng tính thuế giá trị gia tăng, họ sẽ được giảm thuế để có tiền đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). 

Chính sách tính thuế mới của Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp nước này tiết kiệm được khoảng 500 tỷ Nhân dân tệ, tức 77 tỷ USD, trong năm nay. Nguồn thu của các địa phương sẽ sụt giảm mạnh nhưng chính phủ Trung Quốc có kế hoạch bù đắp cho chính quyền trực thuộc phần nào bằng việc phân bổ lại một phần thuế VAT thu được. 

Những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cách tính thuế mới. Giới chuyên gia đầu tư đặc biệt đánh giá cao những cải tổ mới trong chính sách thuế của Trung Quốc. 

“Nếu được áp dụng tốt, chính sách mới giúp giảm thuế cho doanh nghiệp và tạo ra được nhiều tác động lớn đến nền kinh tế. Nó sẽ mang đến nhiều lợi ích trong dài hạn chứ không phải chỉ trong ngắn hạn. Doanh nghiệp dịch vụ sẽ được đối xử công bằng hơn, từ đó giúp tái cân bằng nền kinh tế”, trưởng bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại công ty chứng khoánMacquarie Securities ở Hồng Kông, ông Larry Hu, nhận xét. 

Trung Quốc đang muốn định hướng nền kinh tế phát triển theo hướng dịch vụ và cho đến hiện tại, có vẻ như nước này đang đi đúng lộ trình. Đến năm 2015, lần đầu tiên lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn một nửa vào tổng GDP và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn toàn bộ nền kinh tế. Từ trước đó, các ngành vận tải, truyền thông và hàng không đã được áp dụng tính thuế VAT. 

“Khi một loại thuế được tính thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp trong các ngành, nó sẽ mang đến động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế”, ông Jin Dongsheng, chuyên viên thuế tại Cơ quan thuế Bắc Kinh, nhận xét. 

Chính quyền các tỉnh Trung Quốc sẽ chịu thiệt nhiều nhất khi chính sách thuế mới được thực thi. Nguồn thu của họ có thể giảm từ 125 đến 250 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2017, theo tính toán của ông Iris Pang, chuyên gia kinh tế cao cấp tại quỹ Natixis tại Hồng Kông. 

Nhóm hưởng lợi nhiều nhất sẽ là doanh nghiệp nhỏ với doanh thu hàng năm dưới 500 nghìn nhân dân tệ (khoảng 77.195 USD). Mức thuế áp dụng đối với họ sẽ giảm từ 5% xuống 3%. Nhóm doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành cũng sẽ có lợi, ngoài ra là các công ty bất động sản. 

Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thâm dụng lao động sẽ khó khăn bởi chi phí lao động không được giảm trừ thuế. 

Chính sách thuế giá trị gia tăng được áp dụng tại Trung Quốc từ năm 1979 khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên nó không dành cho tất cả các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Lần sửa đổi chính sách thuế này được đánh giá là có quy mô sâu rộng nhất tính từ năm 1994. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư