Trung Quốc lo vỡ bong bóng thị trường tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài đến một ngày nào đó sẽ vỡ”...
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh sau đại dịch - Ảnh: Bloomberg.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh sau đại dịch - Ảnh: Bloomberg.

Một quan chức cấp cao của Trung Quốc ngày 2/3 bày tỏ lo ngại về tình trạng bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Ông Guo Shuqing, Bí thư đảng ủy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), nói rằng niềm tin vào thị trường Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường thế giới.

"Chúng tôi thực sự lo ngại rằng bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài đến một ngày nào đó sẽ vỡ", trang CNN Business dẫn lời ông Guo phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh. Ông Guo cũng đang giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đã có nhiều lo ngại rằng những hành vi mang tính chất bong bóng đầu cơ đang lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang ở gần mức cao kỷ lục, cho dù nền kinh tế nước này còn đang chật vật với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall gần đây nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách hàng về việc liệu đà tăng mạnh mẽ của giá cổ phiếu liệu có được tiếp nối bởi một đợt sụt giảm kinh hoàng tương tự như bong bóng dotcom vỡ tung cách đây 21 năm.

Ông Guo nói rằng sự tăng điểm của thị trường Mỹ và châu Âu không phản ánh những thách thức mà hai nền kinh tế này đang đối mặt.

"Nếu bong bóng vỡ, dòng vốn ngoại có thể chảy mạnh vào Trung Quốc", một báo cáo của Mizuho Bank nhận định. Trong trường hợp đó, lượng vốn lớn chảy vào sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vì sẽ gây sức ép tăng giá lên đồng Nhân dân tệ và các tài sản khác ở Trung Quốc.

Ông Guo cũng nói ông lo ngại về khả năng xảy ra biến động trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Giới phân tích xem đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đã sẵn sàng cho việc thắt chính sách tiền tệ. Tại một hội nghị kinh tế vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nước này cần ổn định thị trường bất động sản trong năm 2021, và Bắc Kinh đã sẵn sàng thực hiện một số biện pháp để đạt mục tiêu này. Hồi tháng 12, cơ quan chức năng Trung Quốc ra quy định nhằm hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc từ đầu năm nay đã đẩy mạnh nỗ lực "hạ nhiệt" thị trường địa ốc, bao gồm hạn chế số căn nhà được mua và siết hoạt động của các công ty phát triển nhà.

Những phát biểu trên của ông Guo đã khiến các thị trường chứng khoán chủ chốt trong khu vực sụt điểm phiên ngày 2/3. Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải và Hang Seng của Hồng Kông cùng tăng trước khi ông Guo phát biểu, nhưng sau đó ngay lập tức chuyển sang sắc đỏ rồi chốt phiên với mức giảm tương ứng 1,2% và 1,3%. Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Australia giảm 0,4% và Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 0,9%.

"Điều này cho thấy thị trường nhạy cảm như thế nào với việc chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ đến lúc bị siết lại", chiến lược gia Stephen Innes thuộc Axi nhận định. "Đó cũng là dấu hiệu rằng các ngân hàng trung ương sẽ dịch chuyển với tốc độ khác nhau trong việc rời khỏi các chính sách để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid".

Những đánh giá của ông Guo còn phản ánh mối lo của Bắc Kinh về rủi ro mà khối nợ gia tăng đặt ra cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu của PBOC, vào thời điểm cuối năm 2020, cho vay bất động sản chiếm gần 30% tổng dư nợ bằng đồng nội tệ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Đã có một số ý kiến ở Trung Quốc cho rằng đã đến lúc nước này cần giảm bớt sự hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Hồi tháng 12, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lou Jinwei nói rằng việc "từ từ rút lui" khỏi chính sách nới lỏng sẽ giúp mang lại sự ổn định và cuối cùng sẽ làm giảm tỷ lệ nợ của Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc chi hàng trăm tỷ USD cho nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau cú sốc mà Covid gây ra. Các biện pháp của Bắc Kinh - như triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn và phát tiền mặt cho người dân - đã phát huy tác dụng, mang lại mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2,3% trong năm 2020.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang tìm cách duy trì đà tăng trưởng và cân nhắc mức độ hỗ trợ tiền tệ sao cho phù hợp. Ngoài ra, nước này cũng muốn cân bằng sự phục hồi kinh tế với mục tiêu đến cuối tháng 6 năm nay tiêm chủng ngừa Covid-19 cho khoảng 40% dân số, tương đương hơn nửa tỷ người.

Chuyên đề