Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường

(BĐT) - Sau hơn bốn mươi năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc từ một nước có nền kinh tế suy thoái đã trở thành cường quốc công nghiệp trên thế giới, tiêu thụ một lượng khổng lồ nguyên liệu và năng lượng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Công cuộc chuyển đổi to lớn này làm cho hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo nhưng đồng thời cũng làm ô nhiễm nặng nề không khí và nguồn nước ở quốc gia này. Một số chuyên gia kinh tế phương Tây cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã gần tới mức không thể vãn nồi.

Phát triển kinh tế vốn được ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc. Chính quyền các địa phương thường chỉ được giao nhiệm vụ đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng và phải đẩy các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hoạt động hết công suất, ngay cả khi hàng hóa của họ sản xuất ra không tiêu thụ được.

Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc cũng nhận thấy tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua, Báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục nói đến vấn đề môi trường và toàn dân Trung Quốc, các chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải nhận thức được rằng bảo vệ môi trường hiện nay không còn chỉ là lời nói suông.

Chính phủ đã có nhiều sáng kiến để đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng xanh, loại bỏ những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Trung Quốc đã ký Thỏa thuận Pari về Biến đổi khí hậu và đang thực hiện kế hoạch loại bỏ dần dần ô tô chỉ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những thay đổi của Trung Quốc để giải quyết ô nhiễm môi trường cũng đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, vốn đã giảm từ 10% trong năm 2010 xuống còn 7% trong những năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể mất 0,5 điểm phần trăm (khoảng 56 tỷ USD) trong quý 4 năm 2017.

Các biện pháp kiên quyết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang được thực hiện ở Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Với các khu sản xuất công nghiệp lớn, đồng thời cũng là nguồn phát sinh ô nhiễm nhiều nhất cả nước, mục tiêu sẽ loại bỏ 25% các nhà máy gây ô nhiễm độc hại đến cuối năm nay. Dự kiến khoảng 180.000 nhà máy sẽ bị xử lý. 

Chuyên đề