Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự lớn nhất Biển Đông

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang phát triển đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất tại Biển Đông.
Ảnh chụp đá Chữ Thập từ vệ tinh ngày 3/6. Ảnh: CSIS.
Ảnh chụp đá Chữ Thập từ vệ tinh ngày 3/6. Ảnh: CSIS.

Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện một đường băng dài 3.000 m và 4 nhà chứa máy bay dài 34 m, rộng 25 m, tương đương với kích thước của các cơ sở tại đảo Phú Lâm, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Kanwa Defense Review ngày 18/10 đưa tin.

Các nhà chứa có thể dùng cho máy bay chống ngầm công nghệ cao và máy bay cảnh báo sớm của Bắc Kinh. Ngoài ra, hai đường dốc dài 535 m và 626 m dường như đang được thiết kế làm nơi đậu cho các chiến đấu cơ.

Cùng với các nhà chứa có thể được xây dựng thêm trong thời gian tới, các cơ sở hạ tầng này có thể tập kết tổng cộng 24 máy may chiến đấu.

Các bệ phóng tên lửa đất đối không có thể được triển khai xung quanh tổ hợp đường băng và nhà chứa, bởi các hình ảnh cho thấy sự hiện diện của hệ thống ăng-ten HF/DF với bán kính 30 m, gần giống với hệ thống ăng ten mảng pha AN/FLR-9, chuyên theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển của quân đội Mỹ.

Cuối cùng, một chiếc tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc đã được neo đậu tại cảng quân sự đang được mở rộng, biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất ở Biển Đông.

Trung Quốc đánh chiếm đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, năm 1988 và đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa". Trung Quốc sau đó tiến hành cải tạo phi pháp đá Chữ Thập, xây dựng nhiều công trình trái phép khiến nhiều nước lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng nó để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. 

Chuyên đề