Trúng nhiều gói thầu xây lắp, HCMCC kinh doanh ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi gặp nhiều kiến nghị, Gói thầu XD-TB 01̸2022/CTCH thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ đã được trao cho một liên danh 6 nhà thầu. Trong đó, phần xây lắp sẽ do Công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (HCMCC) đảm nhiệm.
Năm 2022, Công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 933 tỷ đồng doanh thu và 60,67 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ảnh: Song Lê
Năm 2022, Công ty CP Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 933 tỷ đồng doanh thu và 60,67 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ảnh: Song Lê

Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu nêu trên, một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế (Bên mời thầu) điều chỉnh các tiêu chí đánh giá được cho là có thể gây hạn chế cạnh tranh, trong đó có yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Kết quả cuối cùng, Liên danh HCMCC - Công ty CP VMRC - Công ty CP Trang thiết bị và Công trình y tế - Công ty CP Việt Chào - Công ty TNHH Phòng cháy chữa cháy Vạn Xuân - Công ty TNHH Điện công nghiệp Đại Thiên Thành trúng thầu với giá 283,553 tỷ đồng, giảm 0,63% so với giá gói thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng 320 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Ngoài gói thầu nêu trên, kể từ đầu năm đến nay, HCMCC, trong cả vai trò nhà thầu độc lập và thành viên liên danh, còn góp mặt tại 3 gói thầu khác với tổng giá trúng thầu 385,6 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu XL và TB: Thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị, thuộc Dự án Cải tạo đơn nguyên 1 nhà B2, hành lang cầu nối nhà A2 và nhà B2 Trường Đại học Y Hà Nội có quy mô lớn nhất. HCMCC liên danh cùng Công ty CP Tổng công ty An Hà HANAGASHI - Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh năng lượng trúng thầu với giá hơn 160,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,6%.

Tiền thân của HCMCC là Công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi ban đầu là Công trường xây dựng 75808, được thành lập năm 1975. Năm 1977, Công ty được đổi tên thành Công ty Xây dựng số 3 trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1985, Công ty được đổi tên thành Công ty Xây dựng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và năm 1993 đổi tên thành Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau một thời gian dài trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, năm 2005 Công ty được thực hiện cổ phần hóa. Tính đến cuối năm 2021, Công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, có 3 cổ đông lớn là Phạm Minh Đức (21,34%), Nguyễn Văn Hiền (7,07%) và Nguyễn Minh Hải (5,05%).

Về kết quả kinh doanh, do ảnh hưởng của Covid-19, hoạt động kinh doanh 2 năm trở lại đây (2020 - 2021) của HCMCC có dấu hiệu đi xuống. Nếu như trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Công ty luôn ở mức hơn 1.000 tỷ đồng/năm thì trong năm 2020 và 2021, con số này lần lượt đạt 730 tỷ đồng và 649,5 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp chiếm từ 75 - 96% doanh thu của Công ty trong những năm qua, còn lại là từ mảng bất động sản, bán hàng hóa.

Đi cùng với sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận sau thuế của HCMCC cũng có sự suy giảm. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của HCMCC vẫn tương đối tốt với thu nhập trên một cổ phần (EPS) năm 2020 và 2021 ở mức xấp xỉ 4.000 đồng.

Năm 2022, HCMCC đặt mục tiêu 933 tỷ đồng doanh thu và 60,67 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện, HCMCC chưa công bố tình hình kinh doanh các quý trong năm.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản Công ty đạt 1.130 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 62,3%, tương đương 705,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm phần lớn nợ phải trả của HCMCC là các khoản chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp và chủ đầu tư thể hiện qua các khoản phải trả người bán, người mua trả tiền trước. Đơn cử như tại thời điểm cuối năm 2021, HCMCC nhận trước 124,3 tỷ đồng từ Bệnh viện Cần Thơ. Trong khi đó nợ vay chỉ vào khoảng 48,5 tỷ đồng.

Tỷ trọng nợ vay thấp giúp HCMCC giảm thiểu chi phí lãi vay, qua đó đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Chuyên đề