Trúng nhiều gói thầu “khủng”, TCT Thăng Long liệu có bứt phá?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Thăng Long - CTCP (TCT Thăng Long) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với kết quả doanh thu quý đạt gần 180 tỷ đồng và lãi ròng ở mức 5,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCT Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 272,3 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2019, lãi ròng dù tăng gấp đôi nhưng ở mức khiêm tốn 6,4 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2020, TCT Thăng Long được lựa chọn thực hiện 2 gói thầu quy mô lớn. Tháng 1/2020, Liên danh TCT Thăng Long - Công ty CP Xây dựng công trình 510 - Công ty TNHH Thanh Tiến trúng Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng (tỉnh Quảng Nam) với giá trúng thầu 187,515 tỷ đồng, giảm 0,08% so với giá gói thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tháng. Nộp hồ sơ dự thầu gói thầu này còn có 3 nhà thầu khác nhưng đều bị loại từ bước đánh giá về kỹ thuật.

Đến giữa tháng 5, Liên danh TCT Thăng Long - Công ty CP Cầu 3 Thăng Long - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng HJC trúng Gói thầu số 15 Xây dựng cầu Quang Thanh thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh với giá 330,055 tỷ đồng, thấp hơn 20 tỷ đồng so với giá gói thầu. Đây là gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.

TCT Thăng Long được biết đến là nhà thầu xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với hàng loạt dự án quy mô lớn trên cả nước như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Thời gian qua, Tổng công ty được công khai trúng hàng trăm gói thầu quy mô lớn, nhỏ. Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, từ tháng 1/2016 trở lại đây, Tổng công ty được lựa chọn thực hiện 26 gói thầu quy mô lớn, trong đó có những gói quy mô nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, tháng 1/2018, TCT Thăng Long góp mặt trong liên danh trúng Gói thầu số 6 Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và toàn bộ phần thi công xây dựng (gói thầu EC) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (cầu vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du và Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với giá trúng thầu 1.348 tỷ đồng.

Hay tháng 8/2018, TCT Thăng Long liên danh với 5 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 07 Xây lắp các hạng mục công trình nút giao và di chuyển hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính với giá 913,3 tỷ đồng.

TCT Thăng Long được thành lập vào năm 1973, thực hiện cổ phần hóa thông qua phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 3/2014. Với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, hiện Tổng công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty với tỷ lệ sở hữu 25,05%. Nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm giữ 14,32%. Cổ đông lớn nhất là Công ty CP Tasco với tỷ lệ sở hữu 38,61% cùng 2 cá nhân liên quan là Mai Trọng Thịnh và Phạm Thế Hùng sở hữu 17% vốn điều lệ.

Sau 2 năm đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, hiệu quả kinh doanh của TCT Thăng Long bất ngờ chững lại và suy giảm kể từ năm 2016.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2014 - 2015 duy trì trên 10%. Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 - 2019 chỉ còn dao động từ 3,1 - 6%. Biên lợi nhuận gộp mỏng khiến lợi nhuận gộp không đủ bù đắp các chi phí hoạt động định kỳ như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng và lãi vay. Kết quả kinh doanh dương của TCT Thăng Long có được là nhờ cổ tức được chia từ công ty liên kết, lãi tiền gửi, lãi bán hàng trả chậm hay lãi từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Chuyên đề