Vinamilk và một số doanh nghiệp lớn đã ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, biến rác thải/phụ phẩm thành nguyên liệu mới Ảnh: Huấn Anh |
Những doanh nghiệp tiên phong
Công ty CP HHP Global là 1 trong 3 doanh nghiệp xuất sắc giành chiến thắng trong Chương trình ESG Việt Nam 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố. Đây là một trong số rất ít doanh nghiệp sản xuất giấy ở Việt Nam được cấp chứng chỉ rừng bền vững đối với nhà sản xuất đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị phát triển với bảo vệ môi trường, xã hội...
Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP HHP Global cho biết, cách đây vài năm, khi đó vốn đầu tư của DN chỉ khoảng 100 tỷ đồng, HHP vẫn quyết định đầu tư nhà máy giấy theo tiêu chuẩn xanh (tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ) với quy mô hơn 1.200 tỷ đồng. Nhà máy được đặt tại TP. Hải Phòng có công suất 100.000 tấn/năm với dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, giảm thiểu khả năng lãng phí trong sản xuất, hướng tới mô hình nhà máy thông minh bền vững.
Chia sẻ về động lực để HHP quyết định đầu tư nhà máy theo tiêu chuẩn xanh, bà Phương cho biết, khi mới thực hiện đầu tư nhà máy giấy, DN gặp nhiều vấn đề do e ngại ảnh hưởng bất lợi tới môi trường. Một số nhà tư vấn cũng khuyến nghị, HHP nên chọn đầu tư nhà máy có quy mô vừa phải có thể thu hồi vốn nhanh trong vòng 5-7 năm… “Tuy nhiên, với mong muốn HHP sẽ trở thành đơn vị tiên phong làm thay đổi góc nhìn về môi trường đối với ngành sản xuất giấy, đặc biệt là tái chế giấy, chúng tôi quyết tâm phải đầu tư một nhà máy xanh - sạch - đẹp, một nhà máy kiểu mẫu thân thiện với môi trường. Khi định vị như vậy, HHP quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất giấy theo tiêu chuẩn xanh”, bà Phương tâm sự. Thời gian qua, HHP đã tái cấu trúc DN, huy động vốn đầu tư…, để thực hiện mục tiêu này.
Hiện Nhà máy đang ở giai đoạn hoàn tất vận hành thử nghiệm. Dự kiến, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2023.
Chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng là lựa chọn của nhiều DN khác trên chặng đường hướng tới phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Đức Trung, xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững là không thể đảo ngược và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam không thể là ngoại lệ. Trong “cuộc chơi” này, DN buộc phải tham gia, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.
Đại diện Cục Phát triển DN cho hay, thuận xu thế quốc tế, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam như Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food… đã ứng dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, ESG để biến rác thải/phụ phẩm trong nông nghiệp thành nguyên liệu mới, có giá trị gia tăng cao, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Một số tập đoàn, DN lớn cũng đã chủ động đầu tư, chuyển đổi mạnh mẽ theo xu thế xanh như FPT, Viettel với dự án về AI và chip bán dẫn… Mới đây, VinFast đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq (Hoa Kỳ), tạo nền tảng cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường tới đông đảo người tiêu dùng toàn cầu. Việc vươn ra thế giới của VinFast là một nỗ lực nhằm thực hiện cam kết của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu.
Giúp doanh nghiệp vượt “gập ghềnh” thách thức
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, sự dẫn dắt của Nhà nước và cơ chế chính sách phải là “bệ đỡ”. Trong khi đó, thực tế cho thấy, DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam phát triển bền vững” mới đây, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam cho biết, vừa qua, Công ty thực hiện đầu tư thêm nhà máy. Quá trình thực thi thấy rằng, chủ trương đầu tư dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt rất nhanh, nhưng các bước tiếp theo khi thực hiện thủ tục thuê đất hay xin giấy phép xây dựng…, lại rất chậm. Theo đó, bà Huyền mong muốn, thời gian tới, các hoạt động liên quan đến cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh cần kịp thời hơn để DN nâng cao sức cạnh tranh, nhất là không bỏ lỡ cơ hội phát triển cũng như chuyển đổi theo xu thế xanh.
Đại diện HHP thì mong mỏi, để Nhà máy giấy của HHP đáp ứng tiêu chuẩn xanh, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến những chính sách về sử dụng năng lượng xanh. “Chúng tôi mong muốn hành lang pháp lý để DN chủ động sử dụng nguồn năng lượng xanh sẽ sớm được hoàn thiện nhằm hỗ trợ sớm đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2035, nghĩa là sớm hơn 15 năm so với mục tiêu chung của Chính phủ cam kết tại COP26…”, đại diện HHP nói.
Lãnh đạo Cục Phát triển DN cho biết, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục trợ lực cho DN thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới kinh doanh bền vững. Trong đó, tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025; tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế khuyến khích DN ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, hỗ trợ các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…