Việt Nam có khoảng 70 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 100 triệu USD trở lên. Ảnh: Lê Tiên |
Nhập siêu không đáng lo
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,73 tỷ USD, nhập khẩu đạt 45,6 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu quý I/2017 là 1,9 tỷ USD, chiếm 4,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhìn nhận về con số này, nhiều chuyên gia cho rằng đây là mức nhập siêu cao và lo lắng có thể đe dọa đến chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2017.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng: “Nhập siêu cao trong một giai đoạn ngắn cũng là vấn đề bình thường, bởi có những giai đoạn doanh nghiệp cần gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất, kinh doanh”. Ông Hải phân tích: “2 tháng đầu năm 2017 cũng vậy, cả nước nhập siêu gần 2 tỷ USD, các mặt hàng nhập khẩu đều là phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp”.
Thông tin về tình hình nhập khẩu của Việt Nam trong quý I, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 27,2 tỷ USD, tăng 21,1% và chiếm 59,7% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 24,4%. Thị trường nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam là từ châu Á (79,8%), trong đó, Trung Quốc chiếm 26,1%; ASEAN là 13,9%; Hàn Quốc là 36,1%…
Nâng cao năng lực xuất khẩu
Tuy nhiên, xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới có sự sụt giảm, nguồn cung hàng hóa tăng lên. Bên cạnh đó, phải kể đến sự gia tăng phòng vệ thương mại và những hạn chế yếu kém trong nội tại doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu.
Để giải quyết những thách thách nêu trên, có chuyên gia cho rằng, giải pháp cốt lõi là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đổi mới công nghệ, quản trị. Hiện doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia tăng về quy mô mà chưa gia tăng về mặt giá trị sản phẩm. Đơn cử như trong các ngành hàng, sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn như: điện thoại, dệt may… thì việc nhập khẩu nguyên liệu lớn, giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển thương hiệu, phát triển thị trường…