Triển vọng sáng từ loạt gói thầu về tay Coteccons

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau giai đoạn thiếu hụt nguồn việc, dòng tiền yếu, áp lực phải thu tăng cao khiến Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) phải sử dụng các nguồn lực tích lũy, tăng sử dụng nợ vay, việc trúng nhiều gói thầu lớn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh, dòng tiền của Công ty.
Lợi nhuận của Coteccons đang phục hồi, nhưng biên lợi nhuận còn thấp
Lợi nhuận của Coteccons đang phục hồi, nhưng biên lợi nhuận còn thấp

Trúng thầu 15.000 tỷ đồng sau 8 tháng

Coteccons cho biết, trong 8 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/7/2023 đến 29/2/2024), Coteccons và các đơn vị thành viên như Unicons đã trúng nhiều gói thầu lớn trong các lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng.

Tại Dự án Phát triển công nghiệp Yên Phong CN14.1 tại Khu công nghiệp thương mại và dịch vụ VSIP Bắc Ninh do Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Yên Phong làm Chủ đầu tư, Coteccons là nhà thầu thi công xây dựng 2 nhà kho, 2 nhà phụ trợ, 2 ram dốc, 2 nhà bảo vệ, trạm xử lý nước thải, hệ thống kỹ thuật ngoài nhà. Trong đó, riêng phần nhà kho cao 2 tầng và phần nhà văn phòng cao 4 tầng với diện tích xây dựng khoảng 28.623,94 m², tổng diện tích sàn khoảng 53.173,58 m2. Dự án đã được khởi công ngày 25/1/2024.

Đây là một trong các dự án nằm trong chiến lược “Repeat sales” của Coteccons khi Công ty được các chủ đầu tư đã từng hợp tác giao thêm các dự án giai đoạn tiếp theo. Một số dự án “Repeat sales” lớn khác có thể kể đến cụm dự án nhà xưởng lắp ráp ô tô Vinfast, Khu đô thị Vinhomes Grand Park, nhà xưởng Foxconn, khu căn hộ cao cấp Golden Crown, khu căn hộ HH3 Đà Nẵng, Khu đô thị Eco Central Park Vinh…

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 10/2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về “tin đồn” trúng thầu dự án của Foxconn, lãnh đạo Coteccons thừa nhận “đang thi công”. Đây là dự án nhà máy lắp ráp sản phẩm Apple cho Foxconn ở Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD. Bộ phận phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán VNDirect ước tính giá trị hợp đồng của Coteccons tại dự án này khoảng 45 triệu USD.

Tháng 12/2023, Unicons - công ty thành viên của Coteccons - trúng Gói thầu Thi công chính xây dựng và cơ điện thuộc Dự án DN 5.0 mở rộng Nhà máy Heineken tại Đà Nẵng.

Sau khi trúng thầu thi công Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO tại Bình Dương (diện tích 44 ha) với tổng giá trị hợp đồng ước tính 10.000 tỷ đồng, việc trúng thầu thực hiện các dự án của Foxconn và Heineken tiếp tục ghi nhận bước tiến của Coteccons trong lĩnh vực thi công các công trình công nghiệp quy mô lớn với các chủ đầu tư nước ngoài.

“Bên cạnh việc năng lực thi công dự án công nghiệp của Coteccons được nâng cấp đáng kể sau khi thực hiện các dự án có yêu cầu cao cho các chủ đầu tư FDI, mối quan hệ và sự tín nhiệm của các chủ đầu tư sẽ tạo ra lợi thế để Công ty trúng thêm nhiều gói thầu trong thời gian tiếp theo”, VNDirect nhận định.

Trong lĩnh vực công trình dân dụng, tháng 12/2023, Coteccons trở thành tổng thầu xây dựng Dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) làm Chủ đầu tư. Đây là dự án khu phức hợp bao gồm 18 tầng với 4 sàn thương mại, 126 căn hộ du lịch, 150 phòng khách sạn và hơn 30.000 m2 sàn văn phòng cho thuê. Tổng diện tích sàn xây dựng lên đến hơn 122.000 m2. Dự án đã được khởi công ngày 10/1/2024.

Tháng 10/2023, Coteccons được chọn làm nhà phát triển Dự án The Emerald 68 tại TP. Thuận An, Bình Dương do Tập đoàn Lê Phong làm Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, thuộc phân khúc trung cao cấp, nằm trên khu đất có diện tích gần 8.000 m2, gồm một khối với 2 block, cao 39 tầng nổi với gần 800 căn hộ. Dự án đã được khởi công vào tháng 11/2023.

Việc trúng nhiều gói thầu lớn được kỳ vọng hỗ trợ cho kết quả kinh doanh, dòng tiền của Coteccons trong năm nay.

Kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận, giảm áp lực trích lập dự phòng

Báo cáo tài chính nửa đầu niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023) của Coteccons cho biết, doanh thu thuần đạt 9.784 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 135,7 tỷ đồng, tăng gấp 8,8 lần, qua đó ghi nhận chuỗi phục hồi lợi nhuận quý thứ 7 liên tiếp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Ban lãnh đạo Coteccons đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu cho niên độ 2023 - 2024 ở mức 17.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 274 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu niên độ, Công ty đã thực hiện được 82% mục tiêu doanh thu và gần 50% mục tiêu lợi nhuận.

Mặc dù đang phục hồi tốt, nhưng con số lợi nhuận của Coteccons vẫn được đánh giá là nhỏ so với quy mô tài sản, nguồn vốn lên đến 21.652 tỷ đồng đến cuối năm 2023 và thấp hơn nhiều mức lợi nhuận bình quân đến 1.500 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2016 - 2018. Thêm vào đó, phần lớn khoản lợi nhuận của Coteccons hiện đến từ các khoản thu nhập tài chính thay vì hoạt động kinh doanh chính.

Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần lên đến 9.784 tỷ đồng nửa đầu niên độ tài chính 2023 - 2024 nhưng lợi nhuận gộp thu về chỉ 269,4 tỷ đồng, vừa đủ bù đắp các khoản chi phí tài chính (63,2 tỷ đồng) và chi phí quản lý (205,4 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp chỉ 2,75%.

Trong bối cảnh đó, các khoản thu nhập từ hoạt động tài chính như lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay và đầu tư trái phiếu, lãi tiền chậm thanh toán… đã trở thành yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận của Công ty. Tính đến cuối năm 2023, Coteccons có số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 4.398 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng tài sản và lớn hơn đáng kể tổng dư nợ vay ngắn - dài hạn (1.078 tỷ đồng). Coteccons cũng đang có khoản mục chứng khoán kinh doanh với tổng giá trị 222,5 tỷ đồng, bao gồm khoản đầu tư vào cổ phiếu FPT (39,6 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ ETF KIM Growth VN30 (45 tỷ đồng) và các cổ phiếu khác (148,3 tỷ đồng).

Dù vẫn giữ được vị thế là một trong các doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh trong nhóm ngành xây dựng, nhưng điều kiện kinh doanh khó khăn khiến nền tảng tài chính của Coteccons suy giảm so với giai đoạn trước. Từ vị thế hoàn toàn không sử dụng nợ vay, Coteccons bắt đầu sử dụng vốn vay từ năm 2022 và đến cuối năm 2023, số dư nợ vay là 1.078 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, giá trị phải thu ngắn hạn của Coteccons là 11.845 tỷ đồng, chiếm 54,7% cơ cấu tài sản, giảm 234 tỷ đồng so với đầu niên độ tài chính nhưng chủ yếu ở các khoản cho vay, phải thu từ khách hàng gia tăng. Giá trị trích lập dự phòng phải thu đến cuối năm 2023 là 1.258 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng trong nửa đầu niên độ tài chính. Coteccons hiện phải trích lập dự phòng khoản phải thu từ nhiều chủ đầu tư lớn như: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao, Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty CP Đầu tư Minh Việt...

Dù vậy, việc các chủ đầu tư bất động sản đang từng bước được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý tại các dự án, mặt bằng lãi suất thấp hơn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tình hình tài chính của các chủ đầu tư, giảm áp lực trích lập dự phòng của Coteccons.

Chuyên đề